Thứ ba, 01/09/2020,08:30 (GMT+7)
Thu bạc tỷ từ con “chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn”
Đến xã Phước Ninh hôm nay, người ta không còn thấy nhà tranh vách đất mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang bên những ao nuôi “con thu bạc tỷ” thẳng tắp…
Nghèo nhất xã, giờ thành điển hình kinh tế
 
Xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh được biết đến là vùng chiêm trũng, người dân sống dựa vào cây lúa và khó có thể thoát nghèo. Từ hơn chục năm nay, nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi, trong đó có nghề nuôi ba ba. Từ đó, cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều sự chuyển biến tích cực.
 
Đến xã Phước Ninh hôm nay, người ta không còn nhìn thấy những ngôi nhà tranh vách đất mà thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang bên những ao nuôi ba ba thẳng tắp in bóng trời mây.
 
Theo chân cán bộ Hội nông dân xã, chúng tôi tìm đến nhà bà bà Huỳnh Thị Hen (tổ 7, ấp Phước An, xã Phước Ninh), một trong những gia đình đầu tiên nuôi ba ba, không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả điển hình trong xã.
Với 10 ao nuôi, bà Huỳnh Thị Hen đã có thể cất nhà khang trang, trở thành điển hình kinh tế với thu nhập cả tỷ đồng mỗi vụ thu hoạch ba ba. Ảnh: Trần Trung.
Với 10 ao nuôi, bà Huỳnh Thị Hen đã có thể cất nhà khang trang, trở thành điển hình kinh tế với thu nhập cả tỷ đồng mỗi vụ thu hoạch ba ba. Ảnh: Trần Trung.
 
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang, thành quả của vợ chồng bà sau nhiều năm nuôi ba ba, bà Hen kể: Năm 1979, gia đình bà từ Biển hồ Campuchia quay về Việt Nam lập nghiệp, nhận thấy khu vực lòng hồ Dầu Tiếng có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nên bà chọn xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu lập nghiệp. Sau nhiều năm bôn ba với nghề đánh cá, hải sản trên lòng hồ dần cạn kiệt, năm 2009 trong một lần lên huyện Tân Châu chơi, thấy người ta nuôi ba ba hiệu quả, thế là bà mê luôn liền đưa về nuôi thử nghiệm và bén duyên với nghề nuôi ba ba từ đó.
 
Bà Hen chia sẻ, với số vốn 30 triệu đồng được vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, do chưa có kinh nghiệm, đợt đầu tiên gia đình bà nuôi thử 1.000 con ba ba giống bằng ao đất. Sau 18 tháng, mặc dù số lượng ba ba hao hụt gần 50% nhưng đổi lại thời điểm đó giá ba ba thương phẩm rất cao, dao động từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình bà lãi hơn 200 triệu đồng. Đợt kế tiếp, bà Hen thả 2.000 con giống, khi thu hoạch cho lãi khoảng 350 triệu đồng. Đến nay, gia đình bà đã sở hữu 10 ao nuôi ba ba với quy mô 10.000 ngàn con, mỗi đợt thu hoạch cho thu nhập không dưới 1 tỷ đồng.
Từ nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ Dầu Tiếng, người dân Phước Ninh làm giàu từ mô hình nuôi ba ba. Ảnh: Trần Trung.
Từ nguồn lợi thủy sản ở lòng hồ Dầu Tiếng, người dân Phước Ninh làm giàu từ mô hình nuôi ba ba. Ảnh: Trần Trung.
 
Nói về cách chăm sóc, phòng bệnh cho ba ba, bà Hen cho biết, ba ba vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng tốt, ít bị bệnh. Trong quá trình nuôi tránh để nước ao bẩn, hạn chế đánh bắt làm ba ba hoảng sợ. Đồng thời cần cho ba ba ăn đủ lượng và đủ chất, chú ý rửa sạch thức ăn trước khi cho ăn, chọn mua giống nơi uy tín, thả nuôi đúng mật độ. Ngoài ra, nên nuôi ba ba trong bể xi măng, để tránh tỷ lệ bị thất thoát, hao hụt.
 
Bà Hen tâm sự, thiên nhiên khá ưu đãi cho người dân sản xuất nông nghiệp xã Phước Ninh nói chung và người dân làm nghề nuôi ba ba nói riêng bởi nơi đây nằm cạnh lòng hồ Dầu Tiếng, nước quanh năm, người dân không phải lo tìm nguồn nước sạch để vệ sinh ao nuôi. Bên cạnh đó, ba ba ăn không nhiều, thức ăn dành cho ba ba chủ yếu những loại cá sẵn có trong lòng hồ, với phương châm lấy công làm lời, chỉ cần dành một ít thời gian đi đánh bắt là đủ thức ăn cho ba ba dùng trong nhiều ngày, vì vậy chỉ cần bỏ vốn ban đầu là người nuôi được hưởng trọn thành quả.
Ba ba khá dễ nuôi, chỉ cần bỏ vốn ban đầu và chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc là người nuôi được hưởng trọn thành quả. Ảnh: Trần Trung.
Ba ba khá dễ nuôi, chỉ cần bỏ vốn ban đầu và chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc là người nuôi được hưởng trọn thành quả. Ảnh: Trần Trung.
 
“Tuy đã khá giả nhưng thấm nhuần câu nói “được mùa chớ phụ ngô khoai”, mỗi ngày vợ chồng tôi vẫn dành thời gian ra bờ hồ để đánh bắt cá về cho ba ba ăn, giảm chi phí đầu tư tăng lợi nhuận”, bà Hen chia sẻ.
 
Thành công bất ngờ từ HTX ba ba
 
Sau thành công mô hình nuôi ba ba của gia đình Bà Hen, nhiều hộ dân xã Phước Ninh cũng bắt đầu học tập kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nuôi ba ba trên diện tích lớn. Từ chỗ nuôi ba ba tự phát, nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, năm 2015, HTX Phước Ninh ra đời với 13 thành viên, trong đó, nòng cốt là các hộ nuôi ba ba tại ấp Phước An. Sau 5 năm hoạt động, đến nay HTX đã có 32 thành viên với vốn điều lệ gần 1 tỷ đồng.
 
Khi vào HTX, các thành viên được HTX hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng ao nuôi, chọn con giống, nguồn thức ăn và xử lý các dịch bệnh trong quá trình nuôi, đồng thời có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Từ đó, ba ba đạt chất lượng cao hơn so với trước đây tự mày mò nuôi nhỏ lẻ. Việc tiêu thụ ba ba thương phẩm cũng ổn định về giá cả.
Nhiều hộ cũng theo bà Hen nuôi ba ba để làm giàu. Ảnh: Trần Trung.
Nhiều hộ cũng theo bà Hen nuôi ba ba để làm giàu. Ảnh: Trần Trung.
 
Bắt đầu triển khai mô hình nuôi ba ba cách đây 8 năm, chị Lê Thị Thủy thành viên HTX Phước Ninh cho hay, gia đình chị có 5 công đất để trồng lúa, mặc dù chi tiêu rất tiết kiệm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Được HTX vận động, chị cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích lúa sang nuôi ba ba, từ 2 ao nuôi ba ba ban đầu, đến nay chị đã sở hữu 5 ao với diện tích mỗi ao 120 m2/1.000 con ba ba, sau khi trừ chi phí mỗi đợt xuất bán chị thu được trên 300 triệu đồng. “Nhờ nuôi ba ba, có thu nhập ổn định nên tôi có của ăn của để, không chỉ dựng được ngôi nhà mới mà còn có tiền cho các con ăn học tới nơi tới chốn”, chị Thủy khoe.
 
Bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch HTX cho biết, HTX luôn đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu. Theo đó, để giúp xã viên phát triển ổn định, HTX ký kết với các công ty cung cấp thức ăn trả chậm, không tính lãi cho xã viên. Ngoài ra, HTX Phước Ninh làm tốt dịch vụ đầu ra khi tổ chức bao tiêu sản phẩm cho thành viên, hộ liên kết. Với các sản phẩm đạt chuẩn, giá thu mua của HTX luôn duy trì ổn định và cao hơn giá thị trường 1.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi ba ba của chị Lê Thị Thủy. Ảnh: Trần Trung.
Mô hình nuôi ba ba của chị Lê Thị Thủy. Ảnh: Trần Trung.
 
Bà Có tiết lộ, không chỉ sản xuất ba ba thương phẩm, hiện HTX đã chủ động hoàn toàn về kỹ thuật sản xuất giống với sản lượng từ 50.000 - 80.000 con giống mỗi năm. Không chỉ đáp ứng được 100% nhu cầu con giống cho xã viên, HTX còn cung cấp cho các thành viên liên kết và nhiều địa phương khác. “Hiện mỗi xã viên trong HTX đều có từ 5 ao nuôi ba ba trở lên, hầu hết các xã viên đều có kinh tế ổn định, trung bình mỗi hộ thu nhập từ 200 đến 1 tỷ đồng/vụ”, bà Có thông tin.
 
Ông Nguyễn Ngọc Loan - Chủ tịch Hội Nông dân xã  Phước Ninh chia sẻ, mô hình nuôi ba ba không phải là mới, nhưng mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tại địa phương. Nếu như trước đây toàn ấp Phước An xã Phước Ninh có trên 70% là hộ nghèo thì nay số hộ nghèo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Cả xã Phước Ninh đã có gần 100 hộ nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.
Cả xã Phước Ninh đã có gần 100 hộ nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trần Trung.
 
Ông Lê Minh Phương - Chủ tịch UBND xã Phước Ninh cho biết thêm, từ HTX Phước Ninh, ngày càng nhiều người dân chuyển đổi sang nuôi ba ba, hiện toàn xã có gần 100 hộ nuôi ba ba.
 
Tuy nhiên, nuôi ba ba cần số tiền đầu tư ban đầu tương đối lớn, nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của người dân, UBND xã cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để nghề nuôi ba ba phát triển như: tạo điều kiện cho các hộ nuôi ba ba vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân… để họ có vốn đầu tư, quay vòng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
 
Trần Trung - (nongnghiep.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu