Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về an toàn thực phẩm
Sáng 11-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm với 63 tỉnh, thành phố. Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thời gian qua, nhất là 3 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, văn bản được ban hành ngay sau hội nghị toàn quốc đầu tiên về an toàn thực phẩm của Chính phủ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ý thức về an toàn thực phẩm của người dân có sự chuyển biến, tình trạng "lợn hai chuồng, rau hai luống" đã giảm. Những năm qua, không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỉ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh... Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng trong năm 2020-2021 cần phải chuyển biến mạnh mẽ hơn, thực chất hơn.
Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm, không bỏ qua vụ việc nào về vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu "đứng mũi chịu sào" của từng địa phương để có được chuyển biến đồng bộ... "Nếu không xử lý hình sự cũng phải xử phạt hành chính để răn đe"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP
Trước đó, phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của nhân dân, nòi giống, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, sau khi Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm và ban hành Nghị quyết 43 năm 2017, tình hình tới nay đã có chuyển biến tốt hơn rất nhiều thể hiện rõ nét qua các số liệu minh chứng cụ thể. "Không ít doanh nghiệp, hộ cá nhân, các gia đình đã tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật tham gia các phong trào vận động đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó chính là những tấm lòng, trách nhiệm với cộng đồng ích nước, lợi nhà, vì mình, vì người cần được biểu dương nhân rộng"- Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng cần nỗ lực nhiều hơn và liên tục với tinh thần trách nhiệm rất cao của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân để mọi người dân Việt Nam được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm như các nước phát triển, hàng hóa thực phẩm trong nước có chất lượng như hàng hóa xuất khẩu sang các nước phát triển.
Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân phải ý thức đầy đủ trách nhiệm pháp lý và đạo đức của việc chủ động tham gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng đấu tranh với các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. "Việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn là vi phạm pháp luật, phi đạo đức, ích kỷ hại nhân, trái với luân thường đạo lý, với truyền thống nhân ái của dân tộc. Những hành vi này cần được chỉ rõ, lên án và xử lý nghiêm"- Phó Thủ tướng nói.
Hội nghị trực tuyến về an toàn thực phẩm tại 63 tỉnh, thành phố
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm. Đây là một điểm mới trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm so với trước khi có Chỉ thị 13. Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản.
Những năm qua đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỉ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%). Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).
Bộ Y tế cho biết thách thức lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... Trong khi đó, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn. Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.