Thứ bảy, 26/10/2019,06:22 (GMT+7)
Thú vị “Cùng em đọc sách”
Nhiều năm qua, công tác phát triển văn hóa đọc trong học đường được Thư viện TP Cần Thơ thực hiện rất hiệu quả với nhiều mô hình, cách làm hấp dẫn, thu hút học sinh tham gia. “Cùng em đọc sách” là một chương trình nổi bật như thế.

Hôm chương trình “Cùng em đọc sách” được tổ chức tại Trường Tiểu học Thạnh Phú 3 (huyện Cờ Đỏ), các em học sinh nhiệt tình, hào hứng tham gia. Không chỉ đọc truyện tranh, truyện cổ tích được trưng bày trong khuôn viên trường; học sinh còn hăng hái trả lời các câu hỏi về lịch sử, văn hóa, tác phẩm văn học và tham gia các trò chơi vận động. Lý Hoàng Cầm, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học Thạnh Phú 3 (huyện Cờ Đỏ), chia sẻ: “Chương trình này rất hay và rất vui. Em được đọc nhiều quyển sách hay, các câu hỏi cũng giúp em có kiến thức nhiều hơn”.

Học sinh Trường Tiểu học Trường Xuân 1 (huyện Thới Lai) tham gia chương trình “Cùng em đọc sách”.

“Cùng em đọc sách” là chương trình do Thư viện thành phố tổ chức hằng năm tại các trường tiểu học trên địa bàn 9 quận, huyện nhằm khơi dậy phong trào đọc sách cho trẻ em. Chương trình gồm 3 hoạt động chính là triển lãm sách thiếu nhi với hơn 1.000 quyển sách về tác phẩm văn học, kỹ năng sống, văn hóa, lịch sử…; hoạt động thi hỏi đáp kiến thức; thi viết cảm nhận về sách. Năm nay, qua tổ chức ở một số địa điểm, như: Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận Ô Môn), Trường Tiểu học Thốt Nốt 1 (quận Thốt Nốt), Trường Tiểu học Thạnh Phú 3 (huyện Cờ Đỏ), Trường Tiểu học Thạnh Mỹ 1 (huyện Vĩnh Thạnh), Trường Tiểu học Trường Xuân 1 (huyện Thới Lai)… sự hưởng ứng của thầy và trò các trường đã minh chứng cho thành công của “Cùng em đọc sách”. Em Bùi Trúc Quỳnh, học sinh lớp 5.3, Trường Tiểu học Thốt Nốt 1, chia sẻ: “Chương trình giúp em vừa học vừa chơi, rất thú vị. Vui nhất là em được đọc nhiều quyển sách hay và được chia sẻ cảm nhận về những trang sách”.

Trường Tiểu học Trung Thạnh 1 (huyện Cờ Đỏ) là đơn vị phối hợp rất tốt với Thư viện TP Cần Thơ trong tổ chức chương trình “Cùng em đọc sách”. Thầy Phan Hoàng Để, giáo viên Tổng Phụ trách Đội của nhà trường, cho biết: Mỗi lần tổ chức đều có trên 300 học sinh tham gia. Qua chương trình, Thư viện thành phố đã góp phần cùng nhà trường phát triển sâu rộng văn hóa đọc cho các em học sinh, khuyến khích và tạo điều kiện cho các em đọc sách, học sách. Thực tế từ trường cho thấy, sau khi tham gia “Cùng em đọc sách”, các em đã ý thức hơn việc đến thư viện tìm sách đọc, biết trân trọng, giữ gìn những quyển sách.

Cô Nguyễn Thị Đố, cán bộ thư viện Trường Tiểu học An Thới 1 (quận Bình Thủy), cũng chia sẻ hiệu quả mà chương trình “Cùng em đọc sách” mang lại cho học sinh: Qua việc đọc sách, tham gia các trò chơi, nhất là phần thi viết cảm nhận từ sách, là dịp để các em bày tỏ tâm tư, tình cảm của bản thân. Đây cũng là kênh thông tin để nhà trường hiểu các em cần đọc sách gì, cách phục vụ ra sao để đáp ứng tốt hơn với mong muốn đọc sách trở thành thói quen thường nhật cho học sinh.

Chương trình “Cùng em đọc sách” được tổ chức ở các trường học còn tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Thư viện quận Ô Môn là một điển hình, chủ động đưa sách đến với các trường học như là một cách giữ lửa “Cùng em đọc sách”. “Thư viện đã đặt ra nhiệm vụ là làm thế nào để chuyển sách và tài liệu đến rộng rãi độc giả là học sinh các trường, đổi mới và gia tăng vốn tài liệu theo hướng phong phú, hấp dẫn”, chị Nguyễn Thị Lý, cán bộ Thư viện quận Ô Môn, cho biết. Thư viện quận Ô Môn đã kết hợp với thư viện các phường luân chuyển sách đến các trường gần 2.000 quyển sách phục vụ học sinh. Mới đây, Thư viện quận Ô Môn còn thành lập phòng đọc sách dành cho vận động viên đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ thuộc địa bàn quận Ô Môn, phục vụ ngoài giờ hành chính với vốn sách ban đầu hơn 500 quyển.

Bà Trần Thị Kim Quang, Phó Giám đốc Thư viện TP Cần Thơ, đánh giá: Hoạt động “Cùng em đọc sách” đã phát huy tốt nguồn lực sách báo của Thư viện. Các hoạt động phối hợp phục vụ sách báo tại trường học đã khuyến khích và tác động tích cực đến việc đọc sách, củng cố và tạo dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Qua đó, phong trào văn hóa đọc trong nhà trường được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Trong năm học 2019-2020 này, Thư viện TP Cần Thơ sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc trong nhà trường với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số”. Một số hoạt động trọng tâm: Cấp miễn phí tài khoản thư viện điện tử cho cán bộ, giáo viên và học sinh tất cả các trường học trên địa bàn thành phố; tổ chức sơ khảo cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, chương trình “Cùng em đọc sách” và phục vụ Xe Thư viện lưu động trong trường học.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu