Chủ nhật, 04/04/2021,07:28 (GMT+7)
Thúc đẩy hợp tác phi chính phủ nước ngoài
Tại hội nghị trực tuyến giao ban toàn quốc tổng kết năm 2020 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 công tác phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) diễn ra tháng 3-2021, ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN đề nghị, trong năm 2021 và thời gian tiếp theo, các bộ, ngành địa phương cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong hoạt động kiểm tra, giám sát; theo dõi xu hướng, chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức PCPNN; đồng thời theo dõi xu hướng, chuyển đổi mục tiêu viện trợ của các tổ chức PCPNN; đa dạng hóa nguồn viện trợ... Những năm qua, TP Cần Thơ đã tạo được mối quan hệ hợp tác, xây dựng các dự án để vận động tài trợ gần với tôn chỉ của các tổ chức PCPNN và đi sát với thực tế hơn. Hầu hết các chương trình, dự án, phi dự án viện trợ PCPNN đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Bảo đảm yêu cầu
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Rạch Sâu và cầu Ba Thụ ở xã Mỹ Khánh và Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Công trình do Hiệp hội Giao lưu Châu Á (AEA) và Tổ chức Incheon Port Authority - Hàn Quốc tài trợ thông qua nguồn vận động từ Văn phòng đại diện phía Nam - Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ. Ảnh: Hồng Vân
 
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Rạch Sâu và cầu Ba Thụ ở xã Mỹ Khánh và Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Công trình do Hiệp hội Giao lưu Châu Á (AEA) và Tổ chức Incheon Port Authority - Hàn Quốc tài trợ thông qua nguồn vận động từ Văn phòng đại diện phía Nam - Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ. Ảnh: Hồng Vân
 
Đã có một số tổ chức PCPNN đến tham quan tìm hiểu và viện trợ các chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án PCPNN trên nhiều lĩnh vực cho TP Cần Thơ, kể cả bà con Việt kiều, doanh nghiệp thông qua con đường quan hệ hữu nghị đa dạng giữa nhân dân TP Cần Thơ với nhân dân các quốc gia và vùng lãnh thổ kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các cơ quan và tổ chức trên địa bàn thành phố. Các tổ chức PCPNN đều tuân thủ các nguyên tắc đã cam kết, chấp hành tốt các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, thể hiện tinh thần hợp tác cao, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động của các chương trình, dự án, khoản viện trợ phi dự án PCPNN do tổ chức mình tài trợ. Cùng đó, Trung ương thường xuyên thông tin cho địa phương về tình hình công tác PCPNN về lĩnh vực, địa bàn, tôn chỉ, mục đích của các tổ chức PCPNN nên nhận thức của các đơn vị tiếp nhận viện trợ và cơ quan quản lý nhà nước về việc tiếp nhận viện trợ của các tổ chức PCPNN ngày càng nâng cao.
 
Trong năm 2020, TP Cần Thơ tiếp nhận và phê duyệt 5 dự án và khoản viện trợ phi dự án mới với tổng vốn viện trợ là gần 850.000 USD, tương đương 19,7 tỉ đồng; vốn đối ứng hơn 225.000USD, tương đương 5,25 tỉ đồng. Nhìn chung, hầu hết các chương trình, dự án, phi dự án viện trợ PCPNN năm 2020 đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các dự án, các khoản viện trợ phi dự án PCPNN trên địa bàn thành phố triển khai trên nhiều lĩnh vực giúp giải quyết một số vấn đề bức thiết cho các đối tượng thụ hưởng trong vùng dự án, hỗ trợ các mô hình tiến tiến, thúc đẩy hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam nói chung, nhân dân TP Cần Thơ nói riêng với nhân dân các nước trên thế giới ngày càng trở nên tốt đẹp. Cụ thể, xây dựng cầu giao thông nông thôn giúp người dân thuận tiện đi lại, tăng cường truyền thông và gắn kết cộng đồng trong phòng ngừa rủi ro dịch bệnh COVID-19, thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ giúp ngăn chặn, hạn chế rác thải (rác thải nhựa) trôi nổi trên sông Cần Thơ, phẫu thuật chỉnh hình trẻ khuyết tật cơ quan vận động nhằm hỗ trợ nâng cao cuộc sống cho các trẻ khuyết tật sau phẫu thuật chỉnh hình cơ quan vận động, hỗ trợ tài chính tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
 
Chủ động, linh hoạt
 
Ủy ban công tác về các tổ chức PCPNN nhận định, trong năm 2020, hoạt động của các tổ chức PCPNN, công tác của Ủy ban, của địa phương và các bộ, ngành chịu nhiều tác động của bối cảnh, tình hình khó khăn chung của thế giới và trong nước, trong đó, đại dịch COVID-19 là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất. Trong bối cảnh đó, Ủy ban, cơ quan thường trực ủy ban và các cơ quan trong cơ chế ủy ban đã chủ động, linh hoạt, đổi mới phương thức phù hợp, tổ chức tốt các hoạt động, bảo đảm yêu cầu đề ra. Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực hỗ trợ, hợp tác với các tổ chức PCPNN. Chính nhờ vậy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng công tác PCPNN vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Bên cạnh các mặt đạt được, việc vận động và quản lý các tổ chức PCPNN tại TP Cần Thơ vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Trên địa bàn thành phố, một số cơ quan và tổ chức chưa thấy rõ được hiệu quả mang lại từ các chương trình, dự án hay các khoản viện trợ phi dự án PCPNN cũng như chưa được tiếp cận với các tổ chức PCPNN nên chưa thật sự quan tâm trong việc vận động và tiếp cận các nguồn vốn viện trợ này. Việc tìm hiểu và nắm thông tin về các tổ chức PCPNN và các nguồn viện trợ còn hạn chế; số lượng dự án thu hút và quy mô vốn tài trợ các dự án chưa nhiều; các dự án viện trợ có thời gian triển khai ngắn, do vậy tính bền vững chưa cao. Do ảnh hưởng điều kiện và tình hình dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp nên một số hoạt động thuộc các chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án không thể tổ chức trực tiếp mà phải chuyển sang trực tuyến và một số mục tiêu bị trễ tiến độ so với kế hoạch dự án đã đề ra.
 
Theo kế hoạch công tác PCPNN năm 2021, TP Cần Thơ sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến vận động viện trợ PCPNN của thành phố. Thực hiện các hoạt động xúc tiến viện trợ PCPNN năm 2021. Tổ chức đoàn đi vận động viện trợ các tổ chức PCPNN tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiếp tục liên hệ với các tổ chức PCPNN để vận động tài trợ các dự án phù hợp với nhu cầu địa phương. Tập trung, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án PCPNN trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức PCPNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức PCPNN đến hoạt động viện trợ nhân đạo, phát triển kinh tế - xã hội trong khuôn khổ pháp luật Nhà nước Việt Nam. Tăng cường công tác giám sát và triển khai các hoạt động của các chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án, PCPNN trên địa bàn thành phố.
 
Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Cần Thơ, cho biết, với chức năng là cơ quan đầu mối quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, Liên hiệp luôn đẩy mạnh công tác vận động, thu hút nguồn vốn viện trợ PCPNN từ các tổ chức cá nhân nước ngoài, phối hợp với các ngành và các hội thiện nguyện. Năm 2021, Liên hiệp tiếp tục chương trình xúc tiến quốc gia về tăng cường vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2020-2025, rà soát các danh mục, dự án để vận động, kêu gọi các nhà tài trợ tiềm năng. Nội dung các đề án tập trung vào các lĩnh vực an sinh - xã hội, ưu tiên các nhóm đối tượng yếu thế.
 
Năm 2020, giá trị viện trợ PCPNN cho Việt Nam đạt hơn 220,7 triệu USD. Trong đó, viện trợ PCPNN từ khu vực châu Âu chiếm 41,3%, Bắc Mỹ chiếm 36,2%, châu Á chiếm 22,5% tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: y tế, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong năm 2020, các tổ chức PCPNN cũng dành sự ưu tiên, hỗ trợ tích cực cho Việt Nam ứng phó thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, 115 tổ chức PCPNN đã hỗ trợ tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, đào tạo, tập huấn trị giá hơn 6,5 triệu USD để ứng phó với dịch COVID-19; hỗ trợ các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt với giá trị gần 9 triệu USD. Đây được xem là kết quả rất tích cực.
 
Quý I-2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hơn 10 tỉ USD
 
(CT) - Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-3, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt hơn 10 tỉ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 234 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 7,2 tỉ USD, giảm 69,1% về số dự án và tăng 30,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 161 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2,1 tỉ USD, tăng 97,4%; có 734 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 805,3 triệu USD, giảm 58,8%.
 
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I-2021 có 14 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140,2 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 431,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,1 triệu USD.
 
N.H
KHÁNH NAM - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu