Thứ bảy, 19/06/2021,18:45 (GMT+7)
“Thúc” giải ngân vốn ODA
2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 nhưng tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các tỉnh, thành trong cả nước những tháng đầu năm đạt rất thấp. Làm thế nào đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt nhiệm vụ về tài chính, ngân sách được giao đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung bàn thảo tại hội nghị trực tuyến với các địa phương đánh giá về giải ngân vốn ODA trong 5 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp tăng cường giải ngân năm 2021 vừa được Bộ Tài chính tổ chức.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kiểm tra tiến độ công trình Xây dựng đường nối đường Cách mạng tháng Tám đến đường tỉnh 918 do Ban Quản lý Dự án ODA làm chủ đầu tư. Ảnh: MINH HUYỀN
 
Giải ngân thấp
 
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ODA, vay ưu đãi nước ngoài được giao đầu năm 2021 của các địa phương là 63.709 tỉ đồng. Trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương là 34.913 tỉ đồng và vốn cho các địa phương vay lại là 28.796 tỉ đồng. Tính đến ngày 31-5-2021, vốn đầu tư công nguồn ODA của các địa phương đã giải ngân là 1.100,66 tỉ đồng, bằng 1,73% dự toán, trong đó vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách Trung ương giải ngân là 616 tỉ đồng (bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm) và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân là 484,4 tỉ đồng (bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm).
 
Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, cho biết: Từ đầu năm tới nay, chúng tôi đã nhận được 650 hồ sơ đề nghị rút vốn; trong đó đã ký đơn rút vốn 609/650 hồ sơ, trả lại 41/650 do không đủ điều kiện rút vốn và hiện không còn đề nghị rút vốn tồn đọng. Tính đến nay, chỉ có 15/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 3% bao gồm: Cao Bằng, Tuyên Quang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Khánh Hòa, Ðắk Lắk, Tây Ninh, Long An, Ðồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu và có tới 37/63 địa phương tỷ lệ giải ngân là 0%. Như vậy, nếu tính riêng kế hoạch vốn được giao năm 2021, tỷ lệ giải ngân nêu trên là rất thấp và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2020 (vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương là 7,19%). Nếu tính đến số vốn được giải ngân theo kế hoạch vốn 2020 được kéo dài, chuyển nguồn trong 5 tháng đầu năm 2021 thì tỷ lệ giải ngân này cũng vẫn thấp so với cùng kỳ năm 2020.
 
Theo phản ánh từ các tỉnh, thành phố, tình trạng giải ngân chậm nói trên đến từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến tiến độ giải ngân vốn ODA thấp là do dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong hầu hết các dự án đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ khâu nhập máy móc, thiết bị đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án... Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân vốn ODA của các địa phương: một số dự án phải điều chỉnh quy mô, nhiều hạng mục của dự án phải thay đổi thiết kế, tiến độ đấu thầu chậm so với kế hoạch; một số nhà thầu năng lực thi công còn yếu...
 
Kiến nghị gỡ khó
 
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng trình bày cụ thể khó khăn, vướng mắc của từng dự án cụ thể giải ngân thấp. Ðối với Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị do tình hình dịch COVID-19 bùng phát nên công trình thi công bị ảnh hưởng. Việc bố trí vốn đối ứng để chi trả thuế phải mất khoảng thời gian hoàn chỉnh thủ tục về chủ trương, chuyển đổi nguồn vốn trong các hợp đồng vốn ODA làm ảnh hưởng tiến độ giải ngân. Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ thời gian thực hiện Hợp đồng Tổng thầu EPC là 788 ngày, tương đương 87% tổng tiến độ gói thầu nhưng khối lượng công việc thực hiện chỉ khoảng 245,78 tỉ đồng/1.393 tỉ đồng. Dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 do EU tài trợ, nguồn vốn nước ngoài năm 2021 được giao 1.828 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức ghi thu ghi chi, không có nguồn vốn thực hiện theo hình thức giải ngân theo cơ chế tài chính trong nước. Vì vậy, địa phương chưa thể giao chi tiết danh mục đầu tư trong tổng số 34 tỉ đồng vốn nước ngoài đầu tư cho dự án để tiếp tục thực hiện. Thành phố kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế, chính sách. Riêng các vướng mắc từ các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công ở các công trình, thành phố sẽ sớm đưa các giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.
 
Có thể thấy, công tác giải ngân vốn ODA của các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp phải các khó khăn tương tự nhau. Vì vậy, các địa phương mong muốn các bộ ngành Trung ương tích cực phối hợp cùng gỡ khó để đẩy mạnh giải ngân vốn ODA năm 2021. Một số địa phương kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm có hướng dẫn để các địa phương, các ngành rà soát, báo cáo Bộ thực hiện thủ tục điều chỉnh kế hoạch vốn ODA năm 2021. Cần tập trung tháo gỡ, giải quyết tình trạng nhiều dự án không có khối lượng thực hiện đủ điều kiện thanh toán do còn vướng thủ tục đầu tư, đẩy nhanh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án...
 
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án cần tích cực, quyết liệt triển khai, trong đó có việc hoàn tất các thủ tục đầu tư, triển khai giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng, thẩm tra khối lượng hoàn thành, lập hồ sơ thanh toán theo quy định, hoàn lại chứng từ hồ sơ với khoản tạm ứng để ghi thu ghi chi… Các cơ quan chủ quản dự án tích cực chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các ban quản lý dự án trong triển khai kể cả phê duyệt chủ trương, hồ sơ quyết định đầu tư, sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi… Về cơ chế, chính sách đầu tư, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư báo cáo Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NÐ-CP về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp tình hình thực tế.
 
MỸ THANH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu