Thứ năm, 04/07/2019,10:34 (GMT+7)
Thương ly đá bào ngày xưa
Hôm nay là ngày hẹn để hai gia đình gặp gỡ bàn chuyện tương lai cho hai đứa nhỏ. Tôi là nhà trai nên chuẩn bị tươm tất cho lần “chạm ngõ” này nhằm tạo ấn tượng tốt với thông gia tương lai. Gần 2 giờ đồng hồ, xe dừng lại trước ngôi nhà tường cũ bên cạnh trường học có cái sân rộng và hàng phượng đang mùa trổ bông. Trong tôi chợt có cảm giác lạ lắm, giống như mình đang trở về khung cảnh của 50 năm trước, cái thời buộc tóc đuôi gà, nhảy lò cò theo ô vẽ trên sân, mồ hôi chảy khắp mặt, cổ họng khát khô, đứng kế bên xe nước đá bào với ánh mắt thèm thuồng, vô vọng.

Khi bước vô nhà, chưa kịp chào hỏi gia chủ, tôi bất ngờ khi thấy người đàn ông bước đi khập khểnh, không lẽ… “Chào anh chị! Mời anh chị vô!”. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhìn kỹ vào đôi mắt của anh, đúng là anh ấy, người bạn học thuở ấu thơ, nhà anh gần nhà ngoại tôi có xe nước đá bào bán trước cổng trường.
Từ khi mẹ tôi bước thêm bước nữa, tôi về sống với ngoại ở cái xóm vắng hoe, đường tới trường dài thăm thẳm, tôi không có bạn bè chỉ có người hàng xóm hơn tôi vài tuổi. Cái chân anh bị tật, nhà cũng nghèo như ngoại tôi nhưng còn có đồng vô đồng ra nhờ xe nước đá bào bán cho học trò. Ngày ngày những bước chân khập khiễng của anh đồng hành với tôi tới trường. Trên đường anh kể cho tôi nghe từ chuyện bắt dế, đi câu, hái ổi, bơi xuồng đến chuyện đánh nhau với đám con nít xóm bên hay trêu chọc anh là “thằng què”. Chúng kỳ thị anh đủ thứ, không cho anh tham gia các trò chơi tập thể, không muốn đi chung vì phải đợi chờ… Nhưng anh vẫn vô tư, làm những điều mình thích. Anh biết tôi đơn độc, thiếu thốn tình cảm gia đình lẫn những thứ thiết yếu mà ở lứa tuổi của tôi cần phải có, nhưng anh cũng chưa làm gì ra tiền nên đâu giúp được tôi. Cái anh có thể, đó là bào cho tôi ly nước đá nhỏ xíu trước khi xếp hàng vào lớp, tôi uống vội vàng để kịp nối đuôi các bạn và anh cũng là người vào lớp sau cùng. Ngồi xuống bàn, mùi vị của si-rô còn sót lại một chút trong miệng mà sao nó ngon đến lạ thường, có lẽ cái vị ngọt ấy không phải từ đường, mà là ở lời nói của anh: “Mấy bạn vô lớp hết rồi, em uống lẹ đi! Ly nhỏ xíu anh không tính tiền đâu”. Mấy lần tôi ngại không dám nhận nữa, anh nói: “Vậy để anh cộng hết rồi bữa nào em đưa tiền luôn một thể”. Nói vậy chớ anh có đủ lý do để từ chối mấy đồng bạc cắc ngoại cho tôi để dành đi học. Rồi biết bao vật đổi sao dời, tôi rời làng quê theo ngoại về nhà cậu, xa mái trường cũ, xa người bạn học thân thương, vắng bặt tiếng bào nước đá mỗi lúc ra chơi và cũng không còn được cảm giác ngọt lịm của vị si-rô màu đỏ.
Miên man với những dòng ký ức xa xưa, tôi giật mình khi anh ấy gọi: “Thu! có phải Thu không vậy”. - “Dạ! Đúng rồi, nãy giờ tôi thấy anh quen quen mà không nhớ gặp ở đâu”. - “Tôi Tửng đây cô! Mấy chục năm nay mới gặp lại, đâu ngờ tụi nhỏ quen nhau”. Tôi giả vờ như mới nhận ra anh, anh nào biết lòng tôi đang dạt dào xúc động, ngỡ ngàng. Hình ảnh ngày xưa ùa về nhanh chóng, có một cảm giác tôi kịp nhận ra tuy nó có tuổi đời bằng với thời gian tôi xa cái làng nhỏ này, vậy mà nó vẫn tươi nguyên không già cỗi chút nào. Mà hình như cảm giác đó không chỉ có ở riêng tôi?!
Hai gia đình bàn chuyện tụi nhỏ rất thuận buồm xuôi gió, rồi đây chúng tôi trở thành thông gia, sẽ là ông nội, bà ngoại của đám cháu sau này. Tuy không nhắc gì đến chuyện ngày xưa, nhưng trong ánh mắt anh tôi lại “đọc” được những gì anh đang nói với riêng tôi.
Rồi đây, tôi sẽ kể các cháu của mình nghe chuyện của ông bà, sẽ nói cho chúng biết về một cô bé côi cút, có tuổi thơ buồn bã, quạnh hiu, có một mối tình thầm kín, chôn chặt đến tuổi già. Thuở đó có một người thanh niên hiền lành nhưng chẳng may khuyết tật, cũng dành cho cô gái đơn độc một thứ ngọt ngào được bày tỏ bằng những ly đá bào si-rô màu đỏ… Chắc tụi nhỏ sẽ ngạc nhiên “Ồ! Sao người già hay giữ những chuyện cũ mèm, nhỏ xíu, nội ha!”.

Bút Ngọc - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu