Thứ hai, 25/11/2019,10:47 (GMT+7)
Tích cực chuyển đổi cây trồng
Nông dân xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, rất chú trọng thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả. Từ đó, nhiều mô hình hay trong sản xuất nông nghiệp dần hình thành, góp phần tăng thu nhập hộ gia đình và làm kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc.
 
Ông Võ Văn Thường trồng 300 gốc bưởi da xanh trên diện tích vườn kém hiệu quả trước đây.
 
Ông Lê Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, cho biết xã xác định việc chuyển đổi các diện tích canh tác lúa kém hiệu quả và cải tạo vườn tạp để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Thực hiện theo đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp và có kế hoạch riêng phù hợp với tình hình địa phương, đến nay xã Lương Nghĩa đã xây dựng được nhiều mô hình chuyển đổi, bước đầu mang lại hiệu quả và tạo thu nhập tăng thêm cho bà con.
 
Ông Trần Văn Dũng, ở ấp 8, là một trong những hộ đã chuyển đổi đất lúa sang mô hình trồng năn bộp kết hợp nuôi thủy sản. Gia đình ông Dũng chỉ có 3 công ruộng, nhiều năm sản xuất không còn đạt hiệu quả cao. Ông cải tạo lại diện tích này và trồng năn, bởi đây là loại cây khá dễ trồng, chịu phèn và phù hợp vùng trũng ngập. Sau khi trồng khoảng 2 tháng là bắt đầu nhổ bán.
 
“Ngày nào vợ chồng tôi cũng dậy từ sáng sớm để nhổ năn mang bỏ mối ở chợ. Trung bình thu hoạch được 50kg/ngày, những lúc khách đặt mua thêm phải nhổ hơn số lượng mới đủ giao. Sau khi trừ chi phí thì mỗi ngày thu nhập cũng khoảng 300.000 đồng”, ông Dũng cho biết. Ngoài năn, ông Dũng còn thả nuôi cá và trồng thêm 100 gốc chanh không hạt trên bờ bao. Cách làm kết hợp nhiều loại cây trồng và vật nuôi giúp gia đình ông có thu nhập ổn định và cao hơn hẳn so với trồng lúa trên cùng diện tích.
 
Đối với diện tích vườn tạp, vườn kém hiệu quả, xã Lương Nghĩa vận động người dân cải tạo và chọn cây trồng phù hợp, đồng thời chỉ đạo tổ kỹ thuật quan tâm tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Những hộ khó khăn được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển mô hình lúc khởi đầu và tham gia các đợt hỗ trợ giống cây trồng của ngành nông nghiệp. Nhờ vậy, phong trào cải tạo vườn tạp có nhiều khởi sắc trong mấy năm gần đây.
 
Ông Võ Văn Thường, ở ấp 6, là một trong 49 hộ đã nhận hỗ trợ cây giống bưởi da xanh vào năm 2018. Cách đây vài năm, trên 6 công đất vườn nhà ông Thường trồng mía, sau đó lên liếp trồng màu nhưng chưa cho hiệu quả cao, còn nhiều phần bỏ không. Qua vận động của địa phương và biết về chương trình hỗ trợ cây giống bưởi da xanh ông đã mạnh dạn tham gia. Ông Thường cho hay: “Trước khi trồng, tổ kỹ thuật có hướng dẫn lên mô đất cao khoảng 6 tấc, bón vôi và phân lân rồi phơi đất trong 2 tháng. Sau đó còn bổ sung thêm phân hữu cơ vài đợt nữa. Mới giáp năm thôi mà 300 gốc bưởi lớn nhanh, phát triển tốt dù không sử dụng phân bón hóa học”.
 
Bên cạnh vườn bưởi, ông Thường còn đào thêm ao hơn 100m2 thả nuôi cá trê vàng để có thêm nguồn thu nhập trong thời gian chờ bưởi cho trái. Được biết chi phí mua cá giống khoảng 2,8 triệu đồng cũng được địa phương hỗ trợ 50%. Đây cũng là trợ lực không nhỏ để ông mạnh dạn bắt đầu nuôi dù trước đây chưa có nhiều kinh nghiệm. 
 
Ông Lê Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, thông tin thêm: Sắp tới, xã sẽ đẩy mạnh các mô hình hùn vốn tương trợ trong các hội, đoàn thể để tạo điều kiện cho các hội viên phát triển sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục định hướng trong lựa chọn các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương và liên kết các đầu mối thu mua uy tín để bà con yên tâm sản xuất.
 
Hiện nay, diện tích trồng lúa của xã Lương Nghĩa trên 2.000ha, trồng cây ăn trái trên 150ha, trong đó cây có múi chiếm gần 15ha; diện tích rau màu các loại là 161ha. Xã hiện có trên 130ha nuôi thủy sản với tổng sản lượng khoảng 510 tấn.
Bài, ảnh: THIÊN TRANG - (baohaugiang.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu