Chủ nhật, 26/07/2020,23:00 (GMT+7)
Tiền Giang: Mãn nhãn nhà cổ Đốc phủ Hải
Là một công trình kiến trúc cổ độc đáo với những nét chạm trổ cầu kỳ, khoáng đạt, nhà cổ Đốc phủ Hải (thuộc phường 1, thị xã Gò Công, Tiền Giang) kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông - Tây rất tinh tế.
 
Toàn cảnh nhà cổ Đốc Phủ Hải.
 
Thuở mới xây, đây là nơi sinh sống của bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định). Sau khi vào chùa quy y, bà Sanh để lại nhà cho các con cháu. Cháu ngoại bà Sanh lấy Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải và sống trong ngôi nhà này.
 
Theo các tài liệu còn lưu truyền, ngôi nhà đầu tiên được bà Sanh dựng theo lối chữ Đinh, một kiểu nhà truyền thống có xuất xứ từ miền Trung khá phổ biến lúc bấy giờ. Sau nhiều đợt tu bổ và xây dựng, hiện ngôi nhà là một tổ hợp kiến trúc gồm nhà chính ở phía trước rộng 533,26 m², hai nhà vuông ở hai bên rộng 196,4 m², lẫm lúa hay kho thóc ở phía sau bao quanh một sân trời ở giữa tạo thành hình chữ Khẩu.
 
Cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống.
 
Nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu….
 
Nhà chính được làm theo kiểu ba gian hai chái, có mặt tiền quay về hướng chính Bắc (chính phương triều đẩu), phần phía sau có cửa mở quay về phương Nam (trung đường sinh bối điện Nam cô). Các phần bên ngoài được xây dựng bởi vôi, vữa, mái lợp ngói âm dương được nâng đỡ bởi 36 cột, trong đó có 30 cột là gỗ căm xe và gõ.
 
Bên trong nhà tiền đường, các cột được liên kết với nhau bằng các dãy bao lam bằng gỗ chạm hai mặt, thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quý, bát bửu… Xen kẽ các bao lam còn có các liễn đại tự, trên các cột là các đôi liễn đối với các tích truyện Tàu thể hiện triết lý Nho - Lão - Phật, các đề tài tứ quý hay nhạc cụ cổ truyền Việt Nam như đàn bầu, tỳ bà, sáo trúc được khảm xà cừ, trên gian khánh thờ có hình lưỡng long triều nguyệt chạm trổ tỉ mỉ và thếp vàng…
 
Phù điêu đắp nổi ngay giữa tiền sảnh bước vào ngôi nhà.
 
Mặt tiền sảnh của nhà cổ mang đậm phong cách Tây Âu với những vòm cửa hình vòng cung, chạm khắc hoa văn nổi, phần sảnh chính thì mang đậm nét kiến trúc truyền thống với hệ thống liễn, tự, bao lam chạm khắc nhiều đề tài như tứ linh, tứ thời, chim muông, cây trái... được lồng kính vừa có tác dụng ngăn mưa, gió vừa bảo vệ các tác phẩm chạm trổ bền vững với thời gian.
 
Cấu trúc gỗ đậm nét truyền thống.
 
Không gian Á Đông của ngôi nhà còn được bổ khuyết bởi các vật dụng phương Tây thuộc loại sang trọng và quý hiếm như các bộ bàn ghế chạm nổi hoặc khảm xà cừ theo phong cách Louis cổ điển Pháp, bàn đá cẩm thạch, tủ gỗ sản xuất tại Pháp, bàn trang điểm, đèn treo trần nhà kiểu châu Âu, hai bộ đi-văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen…; đồ sứ Trung Hoa và Việt Nam thế kỷ XVII – XVIII đáng chú ý có chiếc đôn sứ Giang Tây, chiếc độc bình cổ, hai chiếc ché gốm màu hoa văn rồng nổi…
 
Ngoài ra, còn có các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ tranh tứ thời bằng hạt cườm rất hiếm, tám tấm tranh thêu đề tài Tùng - Trúc - Cúc - Mai, Xuân - Hạ - Thu - Đông, đặc biệt có hai bức ảnh bán thân bằng xà cừ của bà Điệu và ông Hải, chiếc giường Thất Bảo kiểu Quảng Đông có mặt lát sáu tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau với thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ…
 
Ngôi nhà còn ấn tưởng bởi các đề tài trên các liễn luôn thể hiện những nội dung về tình cảm gia đình, sự hiếu thảo, lòng nhân nghĩa... Có thể thấy, chủ nhân của ngôi nhà là người trọng nghĩa tình và luôn muốn nhắc nhở con cháu phải noi theo.
 
Trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn.
 
Với những giá trị độc đáo nhà cổ Đốc phủ Hải đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo quyết định số 921 ngày 20/7/1994.
 
Nguồn: langvietonline.vn
T/h: nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu