Thứ hai, 11/01/2021,10:41 (GMT+7)
Tiện lợi với bệnh viện "không giấy tờ"
Người dân đi khám bệnh không phải mang chứng minh nhân dân, sổ khám bệnh; thanh toán viện phí bằng "ví điện tử", chụp X-quang không phải in phim... đang được nhiều bệnh viện áp dụng
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết năm 2021, Bộ Y tế sẽ đưa vào sử dụng hơn 90 triệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, thực hiện khám chữa bệnh ngoại trú không còn dùng giấy tờ với khoảng 120 triệu lượt hồ sơ (cả khám sức khỏe giấy phép lái xe).
 
Khám bệnh không hồ sơ
 
Tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội từ giữa tháng 12-2020 đã áp dụng phương pháp lưu trữ và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh qua hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) cho người bệnh ngoại trú. Hệ thống PACS không chỉ cung cấp và lưu trữ hình ảnh chiếu chụp cho người bệnh và bác sĩ mà còn cung cấp các công cụ xử lý và phân tích hình ảnh có độ chính xác cao, giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, sau khi người bệnh chụp chiếu (X-quang, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...), toàn bộ hình ảnh được truyền tải tới màn hình của bác sĩ chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ đọc, trả kết quả nhanh chóng, chính xác hơn. Sau đó, toàn bộ kết quả và hình ảnh được tự động gửi cho bác sĩ lâm sàng.
 
Trên hệ thống PACS, mọi hình ảnh được số hóa và lưu trữ theo chuẩn y tế với chất lượng như trên máy chụp gốc. Chỉ cần cung cấp mã số người bệnh hoặc một số thông tin như họ tên, ngày chụp… thì bác sĩ có thể xem kết quả bất kỳ lúc nào trên smartphone, máy tính bảng, máy tính có truy cập internet.
 
Tiện lợi với bệnh viện không giấy tờ - Ảnh 1.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thực hiện nội soi cắt túi mật dưới sự hỗ trợ tư vấn từ xa của các chuyên gia Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: NGUYỄN HOA)
 
Tại TP HCM, nhiều BV cũng đã và đang triển khai BV không giấy tờ. Tiên phong trong việc này là BV quận Thủ Đức (TP Thủ Đức) thực hiện nhiều năm qua. TS-BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, cho biết với mô hình khoa khám bệnh thông minh, người dân có thể chủ động lựa chọn nhiều hình thức đăng ký khám chữa bệnh như: Đăng ký tại quầy nhận bệnh được nhân viên quét trực tiếp mã QR code trên thẻ BHYT giúp đăng ký nhanh chóng thay vì nhập thông tin bằng tay vào phần mềm; ki-ốt tự đăng ký dành cho người bệnh có sử dụng thẻ BHYT tái khám hoặc bệnh mạn tính; website đặt khám hoặc lựa chọn app (ứng dụng) đặt khám và thanh toán không dùng tiền mặt.
 
Đặc biệt, người bệnh có sử dụng thẻ BHYT (phiên bản Android và iOS), việc kiểm tra thông tuyến BHYT được tích hợp sẵn trên phần mềm, ki-ốt, website và cả app đặt khám online. Ngoài ra, khi sử dụng app đặt khám tích hợp thanh toán online, người dân có thể vừa đăng ký, thanh toán và nhận số thứ tự khám bệnh trực tuyến vừa quản lý thông tin khám bệnh, nhận tư vấn sàng lọc bệnh từ xa.
 
Hiện nay, trung bình BV quận Thủ Đức tiếp nhận trên 5.000 lượt khám/ngày và 800 bệnh nhân nội trú. Dù vậy, BV không xảy ra tình trạng quá tải, rút ngắn đáng kể thời gian khám bệnh, lãnh thuốc…
 
BV Đại học Y Dược TP HCM cũng ứng dụng các giải pháp thông minh trong các hoạt động quản trị BV, đã có hơn 25% người bệnh ngoại trú sử dụng ứng dụng "UMC - Đăng ký khám bệnh online" để đặt hẹn khám bệnh, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt.
 
BV đã triển khai đồng bộ các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt như thanh toán bằng máy POS, chuyển khoản, thẻ khám bệnh có chức năng thanh toán, thanh toán qua website/app, thanh toán bằng Internet Banking (thanh toán hóa đơn); ví điện tử (MoMo, Payoo, ViettelPay, VNPT Pay, VinID, TrueMoney, ViMass, Ví Việt, Yolo).
 
Chỉ cần có chiếc điện thoại di động thông minh, người bệnh ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể thực hiện nhanh chóng các bước đăng ký khám bệnh, thanh toán viện phí với các hình thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của mình.
 
Hiện nay, khi đi khám chữa bệnh có 2 loại giấy mà ai cũng phải chuẩn bị đó là thẻ BHYT hoặc chứng minh nhân dân, ngoài ra phải mang theo tiền mặt để đóng viện phí. "Nếu các cơ sở y tế ứng dụng công nghệ thông tin, giải phóng các loại giấy tờ cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh hoặc tái khám sẽ tiết kiệm thời gian, mang lại nhiều tiện ích cho người bệnh" - một bệnh nhân nói.
 
Người bệnh được phục vụ tốt hơn
 
PGS-TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết hiện 100% BV trên toàn quốc áp dụng hệ thống thông tin quản lý BV. Nhiều BV đã triển khai hệ thống PACS thay cho in phim. Nếu tất cả BV đều chuyển sang dùng PACS, mỗi năm có thể tiết kiệm 4.000 tỉ đồng (chi phí dành để mua phim in hằng năm).
 
Theo PGS Tường, chuyển đổi số y tế là yêu cầu bắt buộc trước sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, in 3D. Nhờ những ứng dụng bệnh án điện tử, từ chỗ mỗi năm các BV phải quản lý hàng chục ngàn bệnh án giấy, ghi chép tay cho từng người bệnh kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh liên quan... thì nay bác sĩ chỉ cần truy cập bệnh án điện tử để tra cứu thông tin của người bệnh.
 
Người bệnh cũng không còn phải lo lắng việc "nhớ nhớ, quên quên" mang hồ sơ đi khám bệnh. "Bệnh án điện tử giúp kiểm soát lạm dụng kê đơn, chỉ định dịch vụ, vì tất cả thông tin này đều thể hiện trên hệ thống" - ông Tường cho biết.
 
Mục tiêu của ngành y tế trong năm 2021 là chuyển đổi số y tế quốc gia để phục vụ người bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, theo PGS Trần Quý Tường, khó khăn nhất hiện nay với ngành y tế vẫn là sự thay đổi tác phong làm việc để phù hợp với chuyển đổi số khi nhiều nhân viên y tế vẫn quen làm việc theo phương pháp truyền thống bằng giấy tờ.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chuyển đổi số y tế quốc gia với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn và tạo ra được nhiều tiện ích trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ năm 2021 kéo dài đến năm 2023, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh triển khai BV không giấy tờ.
 
Đến năm 2025, cơ sở y tế không dùng tiền mặt
 
Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt; 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 15% BV (210 BV) chuyển đổi số thành công.
 
Hiện 99,5% cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam, kiểm soát dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, 1.000 cơ sở y tế đã tham gia hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth.
 
NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu