Thứ bảy, 21/11/2020,16:11 (GMT+7)
Tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực trong định hướng phát triển vùng ĐBSCL
Sáng 20-11 tại TP Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo tham vấn về “Định hướng phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo về vấn đề này. Quy hoạch này hướng tới mục tiêu vì một vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Tàu chuyên dụng DEVELOPMENT tải trọng 10.000 DWT cập cảng Hậu Giang.
Tàu chuyên dụng DEVELOPMENT tải trọng 10.000 DWT cập cảng Hậu Giang. 
 
Cần tầm nhìn dài hạn
 
ÐBSCL được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, cây ăn trái của cả nước, góp phần quan trọng vào an toàn an ninh lương thực quốc gia và đóng góp to lớn vào xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mekong, ÐBSCL càng có nhiều cơ hội phát triển. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ÐT Trần Quốc Phương, hiện nay, vùng ÐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, bao gồm cả các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BÐKH), nước biển dâng và những thảm họa thiên tai khác, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư, ảnh hưởng đến sinh kế, đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Các vấn đề này của ÐBSCL đã được nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp để xử lý. Song, đại đa số các ý kiến thống nhất định hướng phát triển ÐBSCL cần được tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở xử lý đồng bộ, tổng thể và sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, các địa phương với một tầm nhìn dài hạn.
 
Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh: Phát triển vùng ĐBSCL phải gắn với các mục tiêu tổng quát là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường. Cần xây dựng định hướng phát triển vùng dựa trên sự thấu hiểu bản chất của các chuyển đổi đã và đang diễn ra. Phát triển các ngành có lợi thế, phát triển môi trường sinh thái, gắn với phát triển văn hóa - xã hội, từ đó định hướng tổ chức không gian phát triển cũng như định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. 
 
Theo ông Koos Neefies, Chuyên gia tư vấn chính sách về BÐKH, định hướng phát triển kết cấu hạ tầng cho ÐBSCL gồm phát triển hạ tầng thủy lợi, cấp nước, giao thông vận tải, năng lượng và điện lực, quản lý chất thải. Trong đó, việc phát triển hệ thống thủy lợi định hướng lâu dài và tầm nhìn đến năm 2050 phải gắn với việc phân vùng quản lý nước; phân chia vùng ÐBSCL thành 3 tiểu vùng. Trong đó, vùng nước ngọt lùi vào khu vực an toàn tự nhiên, không có sự can thiệp, tác động; vùng chuyển tiếp chấp nhận mặn, ngọt theo mùa, chỉ điều tiết, không ngăn mặn; đối với vùng mặn, tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái. Ông Koos Neefies cũng cho rằng, ÐBSCL không nên mở rộng đầu tư nhiệt điện mà nên tăng công suất đầu tư điện khí, thúc đẩy năng lượng sạch và tái tạo, điện gió, điện mặt trời…
 
Đầu tư hợp lý, ít hối tiếc
 
Vùng ÐBSCL có dòng dịch cư lớn ra khỏi vùng diễn ra từ khá lâu để đến nơi hấp dẫn về kinh tế như TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Hiện tượng này là chưa cần phải đặt thành vấn đề nghiêm trọng, mà nên chấp nhận đó là một quá trình tự nhiên. Từ đó tìm và tạo ra các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để thu hút lao động chuyên môn từ các vùng miền khác đến khu vực này. Ông Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP), Bộ Xây dựng, chia sẻ: Nghiên cứu quy hoạch vùng ÐBSCL cần đề xuất hướng điều chỉnh tầng bậc mạng lưới đô thị trong vùng hiện nay theo các hình thái đô thị nông thôn mới, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và các thách thức BÐKH. Theo ông Hải, cần quy hoạch các đô thị trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp có vị trí chiến lược gắn kết với tiểu vùng sinh thái nông nghiệp và giao thông thủy bộ. Các đô thị được đề xuất đóng vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, gồm TP Cần Thơ (tiểu vùng dọc sông Tiền, sông Hậu), TP Rạch Giá (tiểu vùng Tây sông Hậu), TP Cà Mau (tiểu vùng bán đảo Cà Mau), TP Bạc Liêu (tiểu vùng ven biển Ðông), TP Hà Tiên (tiểu vùng tứ giác Long Xuyên), thị xã Hồng Ngự (tiểu vùng Ðồng Tháp Mười). Vai trò trung tâm tiểu vùng sinh thái nông nghiệp được thúc đẩy bằng các trung tâm chuyên ngành về nghiên cứu và ứng dụng, giúp kiến tạo và đổi mới các sản phẩm nông nghiệp; bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp, đồng thời là trung tâm du lịch tiểu vùng.
 
Nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo nhất quán với quan điểm tập trung vào các dự án đầu tư hạ tầng ít hối tiếc; quan tâm đầu tư hợp lý, đồng bộ kết cấu hạ tầng sẽ tạo sức bật cho ÐBSCL cất cánh trong trung và dài hạn. Theo ông Phan Hoàng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng ÐBSCL mới được tập trung đầu tư trong giai đoạn vừa qua cùng với hệ thống kết nối nội vùng và liên vùng trên cơ sở các tuyến quốc lộ mới đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Tuy nhiên, về cấp kỹ thuật và chất lượng mặt đường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu (các tuyến quốc lộ hiện nay và quy hoạch chủ yếu có quy mô 2 làn xe). Do đó, việc đảm bảo nguồn lực phát triển các tuyến cao tốc trong vùng giai đoạn từ năm 2021-2030 đúng quy hoạch là rất cần thiết nhằm đảm bảo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Hệ thống đường thủy nội địa vẫn tiếp tục là đặc trưng và thế mạnh của vùng; cần tập trung cải tạo các nút thắt về hạ tầng đồng thời nâng cao năng lực vận chuyển container bằng đường thủy nội địa. Các kết cấu hạ tầng giao thông đã đầu tư trong giai đoạn trước đây như cảng hàng không, luồng hàng hải cần tiếp tục phát huy hiệu quả khai thác. Ðồng thời cần nghiên cứu lựa chọn thời điểm phù hợp để đầu tư các kết cấu hạ tầng then chốt của vùng như cảng biển, đường sắt để đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng bộ với các phương thức vận tải khác.
 
Ngày 17-11-2017 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP Về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo đó, Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với BĐKH theo phương pháp tích hợp đa ngành mà Luật Quy hoạch quy định. Đến nay, Quy hoạch trên đã hoàn thành và đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện, dự kiến báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng trong tháng 12-2020 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 12-2020.
 
Bài, ảnh: MINH HUYỀN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu