Ước ao của nông dân
Ông Bùi Văn Độ (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) cho biết, mấy ngày gần đây, ông phải bê từng giỏ xoài Đài Loan đi từng nhà trong xóm để bán với giá 1.500 đồng/kg. Hiện tại, vườn nhà ông Độ còn 8 tấn xoài trong giai đoạn thu hoạch mà đợi mãi không có ai đến thu mua. Liên hệ thì đa số thương lái nói đang dội chợ, xuất khẩu sang Trung Quốc không được.
“Thấy xoài rụng trắng đất không ai mua, tiếc quá nên tôi hái đi bán trong xóm. Bán cả ngày cũng được vài chục nghìn đủ mua cá. Ước gì, có người đến mua. Mắc rẻ gì cũng đỡ khổ” - ông Độ nói.
Vườn xoài đang trúng mùa nhưng mất giá của ông Độ cũng là hoàn cảnh chung của nhiều nông dân miền Tây.
Cùng hoàn cảnh với ông Độ, ông Bùi Văn Út (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho hay: Nhà ông có 10 công đất trồng xoài Đài Loan hiện trong thời gian thu hoạch. Theo tính toán của ông Út, sản lượng cả vườn khoảng 20 tấn xoài nhưng mỗi lần thương lái đến chỉ thu mua từ 200 - 300kg.
“Tiền phân, thuốc mỗi công bình quân 15 triệu đồng/năm. Đến ngày thu hoạch trái cây bán không được, coi như lỗ nặng. Đó là chưa tính tiền thuê nhân công bồi gốc, bao trái các thứ...” - ông Út buồn bã nói.
Ông Bùi Văn Út đang đau đầu vì sản lượng đầu ra còn lại của vườn xoài nhà ông.
Trong khi đó, mỗi ngày, chị Phạm Thị Loan (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) chạy chiếc xe gắn máy cũ chở theo một giỏ đựng mít Thái, 1 giỏ đựng xoài. Ngồi ven con đường trên Quốc lộ 61, nơi có nhiều xe cộ qua lại để bán đồng giá 3.000 đồng/kg.
Chị Loan cho biết, nhà mình cách đây 16km, bán được mớ nào, hay mớ nấy. Hiện nhà chị còn 10 công đất trồng xoài Đài Loan và 5 công trồng mít Thái. Không có ai đến mua, tiếc quá nên phải tự hái đi bán. “Tiền bán trái cây không đủ trả tiền thuê nhân công thu hoạch, nên bỏ trái rụng trắng cả đất” - chị Loan nói.
Vườn xoài nhà chị Loan rụng trắng đất.
Chị Loan tiếc của hàng ngày tự hái xoài, mít đi bán ven đường.
Bà Trần Thị Thanh - chủ vựa trái cây chuyên thu mua mít Thái, xoài Đài Loan xuất khẩu - cho biết: “Đối với xoài Đài Loan, hiện tại thị trường nước ngoài đã ngừng ăn, chỉ cung cấp thị trường nội địa. Trong khi xoài đang rộ mùa nên tình trạng dội chợ là không thể tránh khỏi, thương lái cũng không thể thu mua.
Đối với mít Thái tình trạng này không còn là mới. Loại trái cây phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nên tình trạng tắc biên, hay giá dao động đột ngột là như cơm bữa. Bản thân thương lái cũng gặp khó khăn, nếu thu mua mà không xuất khẩu được chúng tôi, cũng bị lỗ nặng”.
Giải pháp nào cho nông dân?
Ông Nguyễn Út Em - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ - xác nhận có tình trạng xoài Đài Loan và mít Thái của bà con nông dân trên địa bàn huyện đang gặp khó về đầu ra. Theo ông Em, nguyên nhân được cho là những loại nông sản này quá phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Chính quyền địa phương đã vào cuộc vận động thương lái, nhưng sản lượng thu mua còn hạn chế do chỉ cung cấp cho thị trường trong nước.
“Bà con nông dân không thể tiếp tục canh tác chạy theo thị trường. Trước đây, ngành nông nghiệp cũng đã khuyến khích bà con phải liên kết sản xuất. Nông sản khi sản xuất nên đăng ký theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP để khi xuất đi các nước theo một chuẩn đầu ra chung, nâng cao chất lượng nông sản địa phương” - ông Em nêu giải pháp.
Ông Võ Xuân Tân - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang - cho rằng: Sản xuất nông nghiệp hiện nay, người nông dân không chỉ quan tâm đến chất lượng, năng suất mà còn cần quan tâm đến cung cầu thị trường, nắm chắc thông tin để không bị động khi thị trường diễn biến theo chiều hướng bất lợi. Trung tâm đang hướng bà con sử dụng phân bón hợp lý, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ thay thế phân hóa học để giảm chi phí.
“Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã có kế hoạch và đang triển khai các mô hình sản xuất, hướng dẫn bà con trên cây mít, xoài, chanh không hạt, mãng cầu, cây lúa… Đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác xã để bà con sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP gắn với các doanh nghiệp. Khi bà con làm theo quy trình được chứng nhận GlobalGAP mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, mở rộng đầu ra, giá cả cao hơn thay vì chỉ phụ thuộc vào đầu ra trong nước” - ông Võ Xuân Tân cho biết thêm.