Thứ ba, 30/07/2019,09:36 (GMT+7)
Tổ công tác của Thủ tướng đôn đốc nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử
Chiều 29/7, Tổ công tác của Thủ tướng đã làm việc với 12 bộ, cơ quan để đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

Buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các bộ, cơ quan: Quốc phòng, Công Thương, GTVT, VHTT&DL, KH&CN, Xây dựng, Y tế, NN&PTNT, GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, NHNN Việt Nam. Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng chủ trì buổi làm việc.

Còn nhiệm vụ triển khai chậm, chưa đáp ứng yêu cầu

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Quốc gia Chính phủ điện tử, các bộ, cơ quan đều đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao.

100% các bộ, cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet).

Về xây dựng, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, các bộ, ngành đang triển khai nâng cấp hệ thống này, trong đó có một số bộ đã hoàn thành hoặc đang thử nghiệm.

VPCP cũng đang phối hợp với các bộ, cơ quan để kết nối một số dịch vụ công thiết yếu, phục vụ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia dự kiến trong tháng 11/2019 (Bộ Công Thương đối với nhóm TTHC về cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Bộ GTVT đối với TTHC cấp đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế; Bộ Y tế đối với TTHC về trang thiết bị y tế).

Các bộ, cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia; từ ngày 12/3/2019 đến ngày 21/7/2019, đã có 68.257 văn bản gửi và 203.553 văn bản nhận; 62/95 bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành; có 85/95 cơ quan đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ...

Về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo Quyết định số 846/QĐ-TTg và 877/QĐ-TTg, có 7 bộ, cơ quan trong số 12 bộ, cơ quan kiểm tra đã hoàn thành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ triển khai chậm và chưa đáp ứng yêu cầu như: Hiện còn 4 bộ, cơ quan chưa ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; 5 bộ, cơ quan chưa thực hiện đúng quy định về thể thức, hình thức ký số…

Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số gửi VPCP qua Trục liên thông văn bản quốc gia từ ngày 12/03/2019 đến ngày 22/7/2019 còn thấp (như: Thanh tra Chính phủ: 01/326 văn bản, đạt 0.3%; Bộ Quốc phòng: 66/302 văn bản, đạt 22%; NHNN: 124/436 văn bản, đạt 28.5%...). Một số bộ, cơ quan còn lại, đạt mức từ 50-75% (như: Ủy ban Dân tộc: 105/149 văn bản, đạt 70,5%).

Bên cạnh đó, việc xây dựng hoặc nâng cấp Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử theo Quyết định số 985/QĐ-TTg, các bộ, cơ quan phải hoàn thành trong Quý II/2019. Tuy nhiên, đến nay một số bộ, cơ quan vẫn đang triển khai; có một số bộ, cơ quan chưa tiến hành nâng cấp hoặc đã tiến hành nâng cấp, nhưng chưa đáp ứng đầy đủ theo quy định.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Anh

Khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, cơ quan đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử. Đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ đã thực hiện kết nối trục liên thông văn bản quốc gia, triển khai chữ ký số, tuy nhiên tỷ lệ văn bản có chữ ký số vẫn còn thấp (22%), trong thời gian tới Bộ Quốc phòng tiếp tục đẩy mạnh sử dụng chữ ký số. Hiện nay Cổng Dịch vụ công của Bộ Quốc phòng đang triển khai nhưng vướng ở nguồn kinh phí, đầu tư…

Đại diện các bộ, cơ quan cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư để đảm bảo thực hiện cho việc triển khai văn bản điện tử có ký; thống nhất phần mềm quản lý văn bản và điều hành từ VPCP tới các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tránh lãng phí; sớm ban hành các văn bản, hướng dẫn về định mức, đơn giá thuê dịch vụ CNTT; có tài liệu hướng dẫn về kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương với hệ thống thông tin của Chính phủ…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Thủ tướng là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử. Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan tập trung vào một số nhiệm vụ. Trong đó, khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa đáp ứng yêu cầu và những nhiệm vụ sắp đến hạn, tránh để nợ đọng, nhất là các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết số 17NQ-CP.

Tăng cường bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm đúng quy trình, thể thức, giá trị pháp lý của văn bản điện tử theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Thông tư số 01/2019/TT-BNV và Thông tư số 02/0/TT-BNV; triển khai thực hiện ký số, bảo đảm đúng thể thức tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật).

Khẩn trương hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và thực hiện việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá tình hình, kết quả, khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 tại bộ, cơ quan gửi VPCP tổng hợp hợp, báo cáo Thủ tướng Chính, bảo đảm toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được cung cấp đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP và Thông tư 02/2017/TT-VPCP.

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục cũng đề nghị các bộ, cơ quan tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong thực thi các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao về Chính phủ điện tử. VPCP sớm ban hành thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương để các bộ, cơ quan có cơ sở để triển khai thực hiện.

Hoàng Anh - (baochinhphu.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu