Vụ án sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả vừa bị triệt phá mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động khẩn thiết về tình trạng hàng nhái, hàng giả đang len lỏi, thậm chí là công khai "tung hoành" trên các "chợ mạng".
Từ những trang cá nhân của người bình thường đến giới nghệ sĩ, người nổi tiếng, từ các hội nhóm trên mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm mỹ phẩm, thuốc men, thực phẩm chức năng với nhiều công dụng được quảng cáo rầm rộ. Người tiêu dùng như lạc vào ma trận thật giả lẫn lộn, đối mặt với nguy cơ tiền mất tật mang.
Thực trạng này đặt ra một câu hỏi nhức nhối: Phải chăng chúng ta đang "bó tay" trước sự tung hoành của hàng giả, hàng nhái trên chợ mạng?
Thực tế cho thấy, không gian mạng với tính ẩn danh cao, khả năng tiếp cận rộng lớn và sự linh hoạt trong giao dịch đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể lập một tài khoản, đăng tải hình ảnh sản phẩm bắt mắt (thường là đánh cắp từ các thương hiệu chính hãng) kèm theo những lời quảng cáo "có cánh" và mức giá "không tưởng". Người tiêu dùng, đặc biệt là những người ham rẻ hoặc thiếu thông tin, dễ dàng sập bẫy.
Vụ việc số lượng lớn thực phẩm chức năng giả bị phanh phui chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Hậu quả mà nó gây ra không chỉ là thiệt hại về kinh tế cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
"Chợ mạng" là mảnh đất màu mỡ cho sữa giả, thuốc giả
Vậy, đâu là nguyên nhân khiến "chợ mạng" trở thành "thiên đường" của hàng giả, hàng nhái mà đặc biệt là thực phẩm chức năng giả?
Trước hết, đó là việc kiểm soát, xác minh thông tin người bán, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các nền tảng trực tuyến còn nhiều kẽ hở. Nhiều trang cá nhân, hội nhóm hoạt động tự phát, không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng hay đơn vị chủ quản nền tảng.
Thứ hai, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Mặc dù đã có những quy định pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhưng mức độ xử phạt đôi khi chưa tương xứng với lợi nhuận khổng lồ mà các đối tượng này thu được. Việc truy vết, bắt giữ và xử lý các đối tượng hoạt động trên không gian mạng cũng gặp nhiều khó khăn.
Và một nguyên nhân không kém quan trọng là ý thức của một bộ phận người tiêu dùng. Tâm lý ham rẻ, chuộng "hàng hiệu giá mềm" của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái có đất sống.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý thị trường, công an cũng đã tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các giao dịch trực tuyến, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử lớn và các tài khoản mạng xã hội có lượng tương tác cao. Nhiều chuyên án lớn đã được triệt phá, xử lý hình sự các đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn. Các quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc kiểm soát hàng hóa cũng ngày càng được siết chặt hơn.
Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như vẫn chưa đủ để ngăn chặn triệt để "cơn bão" hàng giả, hàng nhái trên chợ mạng.
Vừa qua, trong quá trình xây dựng dự thảo luật Thương mại điện tử (TMĐT), Bộ Công thương đề xuất người bán phải thực hiện định danh và xác thực điện tử (tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh, mã số thuế thu nhập cá nhân) trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ và thông tin cho nền tảng thương mại điện tử. Ngoài ra, người bán cũng phải công bố công khai thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…
Định danh người bán hàng trực tuyến được kỳ vọng làm tăng tính minh bạch về chất lượng sản phẩm trong kinh doanh trên chợ mạng, giúp cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm khi cần thiết.
Song song đó, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc, thực phẩm chức năng.
Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái trên "chợ mạng" là một cuộc chiến cam go và lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan, sự chung tay của toàn xã hội và đặc biệt là sự thay đổi trong nhận thức và hành vi của mỗi người tiêu dùng. Hãy là người tiêu dùng thông minh thay vì chỉ trông chờ vào sự quản lý, kiểm soát của cơ quan hữu quan.