Như Nhân Dân điện tử đã phản ánh qua bài “Tôm Cà Mau lao đau vì dịch bệnh”, tình trạng giá tôm ở Cà Mau giảm khá sâu bởi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bằng các giải pháp tích cực và kịp thời của Chính phủ và địa phương, đến nay, con tôm ở Cà Mau đã tăng giá trở lại, dù chưa như mong đợi của nhà nông.
Cập nhật mới nhất từ cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện đang được thu mua ở mức 86.000 đồng/kg. Đây là mức giá duy trì từ đầu tháng 5 đến nay. So thời điểm giá tôm giảm sâu nhất vào giữa tháng 3 năm nay, giá tôm thẻ loại nêu trên hiện cao hơn gần 20%. Tuy nhiên, tôm sú - một trong những mặt hàng tôm chủ lực đang được nuôi đại trà ở các vùng chuyên canh của Cà Mau thì vẫn ở mức khá thấp. Bởi loại 20 con/kg hiện giá chỉ khoảng 175.000 đồng/kg, loại 30 con giá 145.000 đồng/kg. Mức giá trên có tăng nhẹ (khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg) so thời điểm giữa tháng 3 năm nay, nhưng so thời điểm chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mức giá tôm sú loại 20 con, 30 con lần lượt có giá trung bình khoảng 245.000 đồng/kg và 180.000 đồng/kg.
Nhận định tình hình giá tôm đang hồi phục dần, ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nuôi trồng thủy sản Cái Bát (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Các nhà máy đang nâng giá thu mua nhằm dự trữ tôm để xuất khẩu khi thị trường hết dịch. Cộng với nguồn nguyên liệu đang khan hiếm do thời gian dài giá thấp, ít người nuôi, hoặc có nuôi nhưng ít thành công vì hạn hán gay gắt khiến độ mặn tăng cao”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm 2020 của tỉnh giảm khoảng 20% so cùng kỳ. Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở Công thương tỉnh Cà Mau, đến thời điểm hiện tại, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 299 triệu USD, chỉ thấp hơn khoảng 10% so cùng kỳ.
Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau, một số thị trường truyền thống nhập khẩu tôm nước ta nói chung, Cà Mau nói riêng là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu... đã có động thái nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cho phép nhập khẩu trở lại. Cộng thêm tình hình dịch trong nước được kiểm soát tốt, thời gian tới, xuất khẩu thủy sản Cà Mau sẽ từng bước được cải thiện. Trong khi đó, sản lượng tôm của các nhà cung cấp lớn là Ấn Độ, Indonesia... đang chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19, dự báo sản lượng tôm thế giới giảm trong thời gian tới sẽ là cơ hội cho con tôm trong nước và con tôm Cà Mau.
Góp phần vực dậy ngành kinh tế chủ lực của Cà Mau, tại hội nghị kiểm điểm chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Nguyễn Tiến Hải đề nghị các sở, ngành liên quan và các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cấp bách thúc đẩy nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh và quảng canh cải tiến. Trong đó, lưu ý dự báo sát nhu cầu, giá cả thị trường đối với từng loại tôm để người dân sản xuất hiệu quả.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đóng chân tại địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp để thu mua tôm nguyên liệu, kích cầu thị trường, song hành với chủ động tìm đầu ra cho con tôm xuất khẩu. “Những thị trường truyền thống đã qua bị đứt khúc do dịch Covid-19 thì chuyển biến ở các nước khác nhau. Có những nước thị trường dịch bệnh được kiểm soát sớm thì chúng ta cần sớm kết nối lại. Nhưng cũng có những nước tình hình diễn biến vẫn phức tạp, có thể kéo dài hơn nữa thì chúng ta không thể ngồi trông chờ mà phải chủ động tìm kiếm thị trường mới. Vấn đề này đòi hỏi sự năng động của ngành công thương và bản thân các doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau lưu ý.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng nhanh và bền vững, vào ngày 23-5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành Chỉ thị 05/CT-UBND về đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lãnh đạo tỉnh này nhấn mạnh vai trò chủ lực của con tôm vì liên quan thu nhập, đời sống của khoảng 70% dân số trong tỉnh Cà Mau.
Tại thị trường quan trọng như EU, Cà Mau có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA (dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới), vì vậy, doanh nghiệp sẽ có lợi thế về thuế quan so các nước khác. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường này rất khó tính nên cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và người nuôi tôm ở Cà Mau cần liên kết chặt chẽ, bảo đảm các tiêu chuẩn, nắm bắt thời cơ, bảo đảm các phương án sản xuất ổn định - ông Dương Vũ Nam, khuyến cáo.
|
Giá tôm thẻ chân trắng được thu mua mức cao hơn sau vài tháng giảm sâu vì ảnh hưởng của Covid-19.