Sở Công thương TP.HCM ký kết hợp tác cung - cầu hàng hóa với Sở Công thương các tỉnh, thành. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Hội nghị được thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP.HCM nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh thành trong giai đoạn 2016-2020; tiếp tục phát huy kết quả đạt được của hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa để tiếp tục đề ra phương hướng và hợp tác triển khai thực hiện giai đoạn 2020-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, mở rộng kết nối cung – cầu là con đường giao thương tất yếu, quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và thị phần, cộng tác để gia tăng năng lực cạnh tranh trong sản xuất, thương mại.
Các doanh nghiệp thuộc các tỉnh, thành tham gia kết nối với hệ thống Siêu thị hiện đại tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.
“Qua 5 năm triển khai chương trình Hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo được mối quan hệ hợp tác toàn diện trên lĩnh vực Thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và là cầu nối giao thương, cung – cầu hàng hóa, bình ổn thị trường khu vực, cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”, ông Vũ nhấn mạnh.
Cũng theo Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, liên kết để phát triển là mục tiêu quan trọng để tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Gian hàng trưng bày của Công ty Cổ phần Ba Huân. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Do đó, Hội nghị năm nay tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ giữa TP.HCM với các địa phương trên cả nước, tập trung hỗ trợ các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Hội nghị cũng giúp tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước cung cấp cho thị trường Thành phố, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng xuất khẩu.
Gian hàng của Sở Công thương tỉnh Điện Biên. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, Chương trình Kết nối cung – cầu TP.HCM với các tỉnh thành năm 2020 có 531 doanh nghiệp đăng ký tham gia trưng bày, trong đó có 409 doanh nghiệp của 34 tỉnh, thành và 122 doanh nghiệp TP.HCM.
Ngoài ra, còn có 9 hệ thống phân phối lớn trên địa bàn TP.HCM tham gia khu vực kết nối: Co.op, Satra, Lotte, Big C, Aeoncitimart, Aeon Việt Nam, MM Mega Market, Bách hóa xanh, Emart và các doanh nghiệp Xuất nhập khẩu các tỉnh, thành có nhu cầu kết nối đưa sản phẩm đạt chuẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm vào hệ thống phân phối.
Mặt khác, thông qua chương trình, các tỉnh, thành cũng đã có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp TP.HCM an tâm đầu tư, liên kết.
Khu vực trưng bày, triển lãm được chia thành 3 khu vực: Khu vực gian hàng địa phương trưng bày đặc sản vùng miền, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của địa phương...
Tại Ngôi nhà chung TP.HCM trưng bày tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm tiêu biểu, đặc sắc của TP.HCM; Khu gian hàng doanh nghiệp TP.HCM trưng bày sản phẩm bao gồm doanh nghiệp bình ổn thị trường, doanh nghiệp uy tín do các Hội ngành nghề TP.HCM giới thiệu.
Gạo ST24 của Tỉnh Sóc Trăng là một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng TP.HCM lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Song song với việc trưng bày sản phẩm, hội nghị sẽ tập trung đầu tư cho công tác kết nối, gặp gỡ trực tiếp giữa các nhà sản xuất và phân phối. Các đơn vị lựa chọn nhà cung ứng tiềm năng, trực tiếp đàm phán, tiến đến ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng thực hiện.