Chiều 22-11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội nghị "Công tác phối hợp kiểm tra, xử lý khai thác vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh TP HCM với các tỉnh".
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP HCM, cho biết giai đoạn 2017-2018 tại vùng biển Cần Giờ, lực lượng chức năng của TP đã xử phạt vi phạm hành chính 126 vụ/223 đương sự/207 lượt phương tiện với số tiền gần 4 tỉ đồng; tịch thu hơn 31.000 m3 cát, 300 máy hút và 10 ghe gỗ.
Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 25 vụ/31 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Các địa phương ký kết kế hoạch phối hợp đấu tranh phòng chống "cát tặc"
Theo đại tá Tô Danh Út, đối tượng vi phạm thường tổ chức khai thác vào ban đêm, cắt cử người cảnh giới. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ thông báo cho đồng bọn rút vòi bơm, xả cát xuống nước và chạy trốn. Thậm chí, người điều khiển còn tự đánh chìm phương tiện hòng phi tang chứng cứ.
Về nguyên nhân khiến tình hình vi phạm diễn biến phức tạp, kéo dài trong những năm qua, đại tá Tô Danh Út nhìn nhận dù TP HCM và các tỉnh giáp ranh có quy chế phối hợp trong đấu tranh với hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép chưa thường xuyên, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Đặc biệt, chế tài đối với hành vi sai phạm còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
BĐBP TP HCM bắt giữ phương tiện khai thác cát lậu trên biển Cần Giờ (ảnh: Đ.Thắng)
Thượng tá Lương Đại Thủy, Công an tỉnh Đồng Nai, thông tin thêm: Điểm nóng khai thác cát lậu giữa Đồng Nai và TP HCM là khu vực luồng sông Đồng Tranh. Tại đây, cơ quan chức năng kiểm tra 10 phương tiện thì có đến 8 phương tiện hoạt động hút cát lậu.
"Đối tượng vi phạm "lách luật" bằng cách sử dụng ghe nhỏ, khai thác khối lượng cát trên dưới 10 m3. Đây là chiêu thức mới, làm khó đơn vị thời gian gần đây" - thượng tá Lương Đại Thủy phản ánh.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, cho rằng công tác kiểm tra, kiểm soát vùng giáp ranh vướng nhiều khó khăn. "Tại khu vực Gò Da - giáp ranh giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và TP HCM, mỗi đêm thường có 10-15 tàu khai thác cát lậu. Đơn vị luôn căng mình giám sát. Khi bị truy đuổi, các đối tượng tháo chạy về phía biển Cần Giờ" - đại tá Phong nói.
Trước tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn ngày càng diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh TP đã quyết định đầu tư kinh phí xây dựng chốt kiểm soát trên biển. Song song đó, TP đầu tư mua sắm thiết bị, phương tiện kết hợp phục vụ công tác bảo vệ chủ quyền với phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.
"Mong rằng các địa phương cùng chung tay trong công tác đấu tranh, kiểm tra, xử lý nạn khai thác, vận chuyển cát trái phép. Chốt kiểm soát đang trong giai đoạn lập dự án, xin chủ trương đầu tư.
Trong thời gian này, UBND TP HCM giao Bộ Chỉ huy BĐBP TP TP chủ động, tích cực nắm chắc tình hình, phối hợp với lực lượng khác, các địa bàn giáp ranh.
Từ đó, các đơn vị kịp thời phát hiện đấu tranh, xử lý có hiệu quả tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ" – ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.