Chủ nhật, 23/05/2021,16:07 (GMT+7)
TP HCM: Tỉ lệ học 2 buổi/ngày vẫn thấp
Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 TP HCM thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học và là năm đầu tiên ở bậc THCS với điều kiện cần thiết là học sinh (HS) học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, ở những quận, huyện gặp áp lực về dân số, HS tăng theo các năm kéo theo tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày thấp vẫn là vấn đề nan giải.
 
Không có trường mới được xây dựng
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trung bình mỗi năm TP tăng khoảng 15.000 HS không có hộ khẩu tại TP. Năm học 2020-2021, TP tăng gần 55.000 HS, tập trung ở các quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Bình Chánh… HS tăng kéo theo các yếu tố như điều kiện học tập, sân chơi… đều eo hẹp. Ngoài sĩ số HS/lớp tăng, nhiều trường phải phá chuẩn sĩ số, ảnh hưởng lớn nhất là kéo tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày thấp xuống dần đều theo từng năm.
 
Ông Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết năm học 2021-2022, tại quận không có trường học mới nào được đưa vào sử dụng ở cả ba bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Tại quận vẫn còn 2 phường chưa có trường tiểu học công lập. Chỉ có Trường Tiểu học Võ Thị Sáu là được bổ sung một số phòng để đáp ứng nhu cầu học của HS tại phường. Trong năm học mới sẽ cố gắng duy trì tỉ lệ có 74% HS lớp 1 và 90% HS lớp 6 được học 2 buổi/ngày để thực hiện chương trình mới.
TP HCM: Tỉ lệ học 2 buổi/ngày vẫn thấp - Ảnh 1.
Học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3, TP HCM) khai giảng năm học 2019-2020 (Ảnh: TẤN THẠNH)
 
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết năm học 2020-2021, quận 12 có hơn 11.000 HS lớp 1, dù ưu tiên phòng ốc nhưng tỉ lệ học 2 buổi/ngày chưa được 40%. Năm học 2021-2022, quận không có trường tiểu học mới được đưa vào sử dụng trong khi phải tiếp tục ưu tiên phòng học cho HS lớp 2 để thực hiện cuốn chiếu chương trình mới. Vì thế tỉ lệ học 2 buổi/ngày của HS lớp 1 tới đây sẽ thấp.
 
Tình hình tương tự tại huyện Bình Chánh, theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, mỗi năm tổng số HS tăng thêm ở các bậc học trên 4.000 HS, dẫn đến tỉ lệ HS được học 2 buổi/ngày thấp ở bậc tiểu học và THCS. Đặc biệt, tại 2 xã Vĩnh Lộc A (dân số trên 140.000 người) và Vĩnh Lộc B (dân số trên 130.000 người), địa phương đều có kế hoạch quy hoạch trường lớp nhưng vẫn thiếu nhiều chỗ học, HS ở 2 khu vực này chưa được học 2 buổi/ngày.
Siết quy định hộ khẩu
 
Trước áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp, đặc biệt là áp lực vào những trường theo mô hình tiên tiến, có bán trú, các quận, huyện tiến hành siết chặt quy định hộ khẩu. Tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12), chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 hằng năm chỉ khoảng 180 HS nhưng có hàng ngàn phụ huynh nộp hồ sơ mong muốn có suất học ở trường này. Tuy nhiên, theo quy định, chỉ những phụ huynh thường trú từ 5 năm trở lên tại quận 12 mới có cơ hội nộp hồ sơ vào trường.
 
Tại quận Gò Vấp, vì áp lực tuyển sinh rất lớn nên quận này quy định những phụ huynh có hộ khẩu thường trú trước tháng 4-2021 sẽ được bố trí chỗ học cho con em. Theo ông Dương Trần Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đức Thọ, là trường theo mô hình tiên tiến, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 chỉ 180 HS, địa bàn tuyển sinh tại phường 15 nhưng gần đây đã có hai khu chung cư với hàng ngàn hộ dân đúng tuyến nộp hồ sơ vào trường, vì vậy áp lực tuyển sinh lớp 1 không hề nhỏ.
 
Trong khi đó, một trường THCS cũng theo mô hình tiên tiến tại quận 10 là Trường THCS Nguyễn Văn Tố cũng giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 như năm học trước, với 10 lớp 6. Theo ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 10, ngoài hộ khẩu thường trú tại quận 10; HS phải đạt xuất sắc các năm ở tiểu học, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm học lớp 5 môn tiếng Việt và toán đạt 20 điểm.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP, để khắc phục tình trạng này, các quận, huyện phải rà soát, tháo gỡ những vướng mắc trong việc thu hồi, quy hoạch đất cho giáo dục.
 
Đặng Trinh - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu