Thứ tư, 03/03/2021,07:55 (GMT+7)
TPHCM cần có chương trình ứng dụng 5G
Đến nay, 3 doanh nghiệp di động lớn là Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone đã thí điểm phát sóng thương mại 5G tại một số khu vực tại TPHCM và TP Thủ Đức. Người dân có thiết bị 5G có thể dùng được sóng 5G và trong bối cảnh này, chương trình ứng dụng 5G tại TPHCM đã được đặt ra. Chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, về vấn đề này.
TPHCM cần có chương trình ứng dụng 5G ảnh 1
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM
 
* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đến nay các nhà mạng lớn đã triển khai thí điểm thương mại 5G tại một số tỉnh thành, đặc biệt là các khu vực tại TPHCM. Ông nhận xét thế nào về việc triển khai này? 
 
- Ông LÊ QUỐC CƯỜNG: Tính đến hết tháng 1-2021, 3 doanh nghiệp di động lớn là Viettel, VNPT VinaPhone và MobiFone đã triển khai thí điểm phát sóng thương mại 5G tại một số khu vực của TPHCM như quận 1, quận 3, quận 10, quận 7 và TP Thủ Đức. Theo dự kiến của các doanh nghiệp, cuối năm 2021, vùng phủ sóng và cung cấp thí điểm dịch vụ 5G sẽ được mở rộng tại các khu vực thuộc 13 quận nội thành, trung tâm TP Thủ Đức…
 
Đây là cơ hội để người dân có thể trải nghiệm dịch vụ di động hoàn toàn mới với độ trễ thấp và tốc độ cao hơn nhiều so với các công nghệ di động trước đây. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT của TP có thể nghiên cứu, phát triển một số ứng dụng, giải pháp về Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), y tế, giao thông, giáo dục - đào tạo… Việc đưa vào triển khai thí điểm thương mại 5G thể hiện sự cố gắng lớn và tính chủ động của các doanh nghiệp viễn thông di động Việt Nam trong việc bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ của thế giới. 
 
* 5G mở ra nhiều ứng dụng mới, quan trọng trong phát triển kinh tế số cho đô thị thông minh… Vậy TPHCM đã có những chuẩn bị gì nhằm ứng dụng, đón đầu công nghệ 5G? 
 
- Hạ tầng 5G được đầu tư sẽ làm tiền đề cho sự thúc đẩy phát triển, tạo ra nhiều cơ hội ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế khác nhau như giúp phát triển bùng nổ công nghệ IoT, là hạ tầng quan trọng ứng dụng AI cho giao thông thông minh và các ứng dụng trong đời sống.
 
Hiện nay, TP đang khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp viễn thông để nắm bắt việc triển khai mạng lưới 5G, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển ứng dụng 5G đồng bộ với sự phát triển hạ tầng, đảm bảo phù hợp, đặc biệt với ứng dụng cho thành phố thông minh, phục vụ cho chương trình AI của thành phố.
 
* Còn việc thành phố hợp tác, phối hợp với các nhà mạng xây dựng 5G tại TPHCM, thưa ông?
 
- TPHCM với gần 10.600 trạm thu phát sóng (BTS) của các doanh nghiệp viễn thông đã phủ kín mạng 3G, 4G, mang lại hiệu quả vùng phủ sóng, chất lượng cuộc gọi cũng như tốc độ internet trên thiết bị di động. Đây là nền tảng hạ tầng mạng viễn thông 5G, đáp ứng việc đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng lưới 5G trong năm 2021. TPHCM luôn hỗ trợ các nhà mạng xây dựng mạng 5G, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thông tin di động triển khai trạm BTS thân thiện với cảnh quan đô thị, hạ tầng truyền dẫn phù hợp quy hoạch hạ tầng viễn thông đã được phê duyệt; cũng như đẩy mạnh hình thức xã hội hóa đầu tư trạm BTS, khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ dùng chung hạ tầng trạm BTS. 
TPHCM cần có chương trình ứng dụng 5G ảnh 2
5G mở ra những ứng dụng thiết thực trong đời sống, như ứng dụng y tế thông minh 
 
* Tuy nhiên, để triển khai ứng dụng 5G tại TPHCM không phải là chuyện muốn là làm được ngay?
 
- TPHCM thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp CNTT đầu tư công nghệ 5G để tạo ra các ứng dụng về giao thông thông minh, quản lý xây dựng, quan trắc môi trường và ngay như chương trình AI của thành phố, 5G sẽ là hạ tầng quan trọng để thúc đẩy chương trình này. Trong trường hợp các cơ quan nhà nước có nhu cầu sử dụng sẽ thuê, đặt hàng các 
doanh nghiệp này.
 
Có thể thấy, 5G được ứng dụng hiệu quả ở những khu vực đòi hòi sự tương tác cao, giao tiếp qua mạng bằng thời gian thực, các khu vực như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị đại học quốc gia… là những nơi được TP khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông ưu tiên phát triển hạ tầng 5G, thúc đẩy phát triển các ứng dụng sử dụng 5G. 
 
* Với TPHCM, hạ tầng số như “xương sống” trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, 5G có vị trí như thế nào, thưa ông?
 
- Sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng số là yếu tố quan trọng nhất đối với chuyển đổi số hay xây dựng đô thị thông minh, đòi hỏi thành phố phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng số để bảo đảm chất lượng, sẵn sàng cho việc kết nối, khả năng truy cập và chia sẻ dữ liệu. Ở đây, nhu cầu về tính kết nối trong tương lai sẽ ngày càng tăng với việc triển khai nhiều hệ thống cảm biến, thiết bị IoT, ứng dụng AI…
 
Để có thể làm được điều đó, thành phố phải tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chính là mạng internet, 4G, 5G, thiết bị viễn thông, máy tính, các dịch vụ, phần mềm, ứng dụng để thực hiện công nghệ kỹ thuật số; thì 5G là nhân tố mới thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.
 
BÁ TÂN - (sggp.org.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu