Chủ nhật, 01/05/2022,09:58 (GMT+7)
Trà Vinh: Phát triển du lịch văn hóa Khmer
So với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh là nơi có nhiều người Khmer sinh sống đông hơn cả. Do đó, nơi đây có nền văn hóa phong phú, đa dạng thông qua các hoạt động lễ hội tôn giáo, các loại hình nghệ thuật, ngành nghề truyền thống, mang đậm nét văn hóa đặc trưng riêng.
 
Trà Vinh: Phát triển du lịch văn hóa Khmer
Chùa Âng là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh nói chung. Ảnh: Tạ Quang
 
Nét văn hoá độc đáo
Trà Vinh có gần 330.000 người dân tộc Khmer (chiếm 31%), với 143 chùa Khmer kiến trúc độc đáo. Phát huy những lợi thế về văn hóa Khmer, tỉnh Trà Vinh đã khai thác để mời gọi du khách đến trải nghiệm và khám phá.
 
Về Trà Vinh, du khách thường đến Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh. Tại đây, du khách được trải nghiệm chuỗi liên kết khu du lịch di tích danh thắng Ao Bà Om; di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, thưởng thức âm nhạc từ dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chay dăm, các điệu múa dân tộc, tham quan làng nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ, thăm quan tìm hiểu và cùng nghệ nhân chế tác mặt nạ truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản dân tộc Khmer...
 
Trong đó, di tích danh thắng Ao Bà Om là điểm đến thu hút nhiều du khách. Đây là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Bao quanh ao là những động cát nhấp nhô với hơn 500 cây dầu, cây sao. Danh thắng ao Bà Om hình thành do quá trình tự nhiên kết hợp với bàn tay lao động của con người. Trong đó, có nhiều cây cổ thụ với bộ rễ trồi lên mặt đất, tạo nên hình thù kỳ lạ, đây là nét độc đáo riêng, hiếm nơi nào có được.
 
Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tại Trà Vinh cũng là địa chỉ được nhiều khách du lịch dừng chân.
Bảo tàng được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay đã sưu tầm, hệ thống hóa, trưng bày trên 1.000 hiện vật thể hiện rõ nét văn hóa, lao động sản xuất, tín ngưỡng tâm linh, phong tục tập quán của đồng bào Khmer.
 
Trong khi đó, chùa Âng là một ngôi chùa lâu đời nhất của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh. Có lịch sử hình thành từ năm 990, chùa Âng đã trải qua nhiều đợt trùng tu, vẫn uy nghi tồn tại trước tác động của nắng, gió và thời gian. Với các giá trị độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, hội họa, điêu khắc đậm đà bản sắc văn hóa Khmer, có sự giao lưu văn hóa Việt, Hoa, Ấn Độ..., chùa Âng là niềm tự hào chung của cộng đồng các dân tộc tỉnh Trà Vinh.
 
Toàn tỉnh Trà Vinh có 40 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh được công nhận là các cơ sở thờ tự. Riêng lễ hội Ooc Om Bok của đồng bào Khmer do Trà Vinh tổ chức hàng năm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Ooc Om Bok, Trà Vinh luôn thu hút đông đảo du khách tới tham dự, thưởng ngoạn lễ hội. Các chùa Khmer được trang hoàng cờ, hoa rực rỡ sắc màu để đón lễ dâng bông, dâng y. Các phum sóc cũng rộn ràng tiếng chày giã cốm dẹp, một đặc sản nổi tiếng của người Khmer ở Trà Vinh. 
 
Phát triển thành sản phẩm du lịch
Theo ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, để xây dựng sản phẩm du lịch thu hút du khách đến tham quan, ngành du lịch tỉnh trước tiên tổ chức quảng bá hình ảnh, trưng bày sản phẩm đặc trưng văn hóa Khmer để kết nối các tuyến du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Song song đó, xây dựng và chỉnh lý các phòng trưng bày tại Nhà Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer và hàng năm thực hiện trưng bày theo chuyên đề như trang phục, ẩm thực, ngành nghề truyền thống, các loại hình nghệ thuật trong các dịp tết cổ truyền, các dịp lễ hội của dân tộc;  Quy hoạch, đầu tư một số hạng mục, công trình, chỉnh trang, vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp tại di tích danh thắng Ao Bà Om. Trùng tu, sửa chữa nâng cấp hạng mục trong di tích chùa Âng, để tạo thành khu liên hoàn về văn hóa Khmer, thu hút khách tham quan ngày càng đông hơn.
 
Hàng năm có kế hoạch sửa chữa, trùng tu các di tích văn hóa, lịch sử chùa Khmer trên địa bàn tỉnh và tiếp tục xây dựng làng văn hóa trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật trình diễn truyền thống như sân khấu, múa, hát dân gian,… luôn được các chùa, đồng bào phật tử giữ gìn, bảo tồn và phục vụ rộng rãi trong quần chúng nhân dân.
 
Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm, trong thời gian tới, để thu hút khách tham quan, cần phải xây dựng các mô hình liên kết cho từng loại hình văn hóa như chương trình nghệ thuật, ẩm thực, tham quan các di tích văn hóa, lịch sử và hoạt động vui chơi giải trí. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân để thu hút tham gia hoạt động du lịch ngày càng phát triển cho tỉnh nhà.
 
Ngoài ra, không chỉ nâng cao về đời sống vật chất, nhiều năm qua, tỉnh còn chăm lo đời sống tinh thần, chú trọng nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng luôn quan tâm đầu tư và nâng cao các giá trị văn hóa dân tộc Khmer.
 
HƯƠNG MAI / Laodong.vn
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu