Thứ tư, 11/11/2020,08:27 (GMT+7)
Trà Vinh: Sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo
Trường Đại học Trà Vinh đã hoàn thiện quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo và đang tiến hành sản xuất đại trà.
 
Cuối năm 2014, Đại học Trà Vinh đã bắt đầu nghiên cứu nấm này và đã nghiên cứu thành công quy trình trồng trên cơ chất gạo lứt và trên ký chủ nhộng tằm. Khoảng thời gian đó nhóm nghiên cứu đã tập trung và nghiên cứu dừa sáp cấy phôi nên tạm gác lại phần thương mại hoá sản phẩm này.
 
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai giới thiệu nấm đông trùng hạ thảo sản xuất trên nền cơ chất gạo lứt huyết rồng. Ảnh: Minh Đảm.
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai giới thiệu nấm đông trùng hạ thảo sản xuất trên nền cơ chất gạo lứt huyết rồng. Ảnh: Minh Đảm.
 
Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học và môi trường, Khoa Nông nghiệp và Thủy sản, Đại học Trà Vinh cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã thương mại hoá sản phẩm chứa nấm đông trùng hạ thảo trên thị trường. Hiện các đơn vị thương mại hoá sản phẩm này với nhiều mức giá khác nhau. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Trà Vinh cũng đã tập trung sản xuất nấm đông trùng hạ thảo cung ứng ra thị trường. Sản phẩm nấm của chúng tôi chủ yếu nuôi trên cơ chất hữu cơ, không bổ sung chất kích thích, để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng”.
 
Cũng theo thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai: Hiện nay, đông trùng hạ thảo được nuôi theo hai phương pháp chính là giá thể và ký chủ. Giá thể thì các công ty cũng sử dụng gạo lứt huyết rồng. Nuôi trên ký chủ thì sử dụng nhộng tằm còn sống hoặc con sâu chích. Cả hai phương pháp đều cho sản phẩm với dược chất như nhau. Tuy nhiên, phương pháp nuôi trên ký chủ cho sản phẩm lạ mắt, giống tự nhiên hơn.
 
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Cordycepin có trong nấm đông trùng hạ thảo là chất có khả năng ngăn ngừa ung thư. Ảnh: Minh Đảm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng Cordycepin có trong nấm đông trùng hạ thảo là chất có khả năng ngăn ngừa ung thư. Ảnh: Minh Đảm.
 
Đông trùng hạ thảo tại Đại học Trà Vinh được sản xuất trên hai nguồn cơ chất chính. Trên nguồn cơ chất tổng hợp là gạo lứt huyết rồng và ký chủ nhộng tằm. Cơ chất gạo lứt huyết rồng bổ sung dinh dưỡng gồm dịch chiết khoai tây, nước dừa, một số thành phần khoáng, vitamin…
 
Cơ chất sau khi được bổ sung đầy đủ thành phần sẽ được đem đi hấp khử trùng, đem để nguội qua đêm. Giống thì sẽ được chuẩn bị khoảng 5 ngày trên máy lắc. Sau đó rót 10ml giống vào hộp cơ chất, đem đi ủ tối để cho tơ nấm phát triển.
 
Khi nấm phát triển khắp bề mặt môi trường dao động trong khoảng từ 5-7 ngày hộp nấm mới được đem qua phòng nuôi.
 
Phòng nuôi được trang bị ánh sáng đèn rồi được phun sương tạo ẩm. Ánh sáng đèn cường độ khoảng 1.000 - 1.500 lux. Độ ẩm trong phòng luôn duy trì từ 80-85%. Sau 45 ngày có thể thu hoạch.
 
“Nấm được xem là đạt tiêu chuẩn, đẹp là nấm có sợi đồng đều, phát triển khắp bề mặt cơ chất. Tại Đại học Trà Vinh, tỷ lệ sản phẩm nấm đẹp nuôi trên giá thể gạo lứt huyết rồng đạt khoảng 70%. Còn trên nhộng tằm, tỷ lệ thành công trên 60%”, thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai chia sẻ.
 
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.
Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.
 
Thông tin về cách sử dụng sản phẩm này, thạc sỹ Nguyễn Ngọc Trai chia sẻ thêm: Chúng ta nên sử dụng nấm như một loại dược liệu chứ không phải là nấm ăn. Nấm ăn thì có thể ăn nhiều nhưng dược liệu chỉ nên dùng theo liều lượng khuyến cáo. Cái gì cũng vậy, nếu chúng ta sử dụng quá liều thì nó trở nên độc hại. Đối với đông trùng hạ thảo, đối tượng sử dụng là người trên 6 tuổi. Rất tốt đối với những người già mất ngủ và người bệnh. Liều lượng sử dụng mỗi ngày từ 5-10g đông trùng hạ thảo tươi. Có thể ngâm nước sôi để uống, nấu cháo, ngâm rượu… Một số công ty có sản phẩm đông trùng hạ thảo đóng viên...
 
MINH ĐẢM - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi  - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu