Thứ ba, 31/01/2023,22:11 (GMT+7)
Trị vô sinh, hãy đến Việt Nam!
Kỹ thuật hiện đại, tỉ lệ thành công cao trong khi chi phí thấp hơn rất nhiều so với khu vực và thế giới, Việt Nam đang là điểm sáng trong điều trị vô sinh hiếm muộn
 
Một phụ nữ 35 tuổi, người Pháp gốc Việt, lập gia đình nhiều năm nhưng chưa có con. Năm 2019, vợ chồng chị quyết định đến một bệnh viện lớn ở TP HCM để thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng thất bại.
 
Không tinh trùng cũng được làm cha
Khát khao làm mẹ, người phụ nữ tiếp tục hành trình "tìm con" tại Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM). Ở đây, đôi vợ chồng được tư vấn sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). May mắn, sau lần thứ 2 thực hiện thì tin vui đã đến với gia đình, chị đang mang thai ở tuần thứ 26 và còn một số phôi đông lạnh.
 
"Kỹ thuật IVF ở Việt Nam hiện rất tốt. Quá trình thực hiện không gây đau đớn và diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nó diễn ra khá nhanh, trong khi ở Pháp phải mất nhiều thời gian hơn. Chi phí thực hiện IVF ở Việt Nam thấp hơn so với Singapore hay Thái Lan. Tôi cảm ơn đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện khi biến ước mơ có con của vợ chồng tôi thành sự thật" - thai phụ chia sẻ.
 
Trị vô sinh, hãy đến Việt Nam! - Ảnh 1.
Bác sĩ Lê Long Hồ tư vấn cho bệnh nhân điều trị hiếm muộn ở Bệnh viện Mỹ Đức. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
 
Trong khi đó, anh N.M.L (ở Thanh Hóa) đã có cơ hội làm cha sau 6 năm đi khắp các cơ sở y tế để can thiệp. Anh L. bị hội chứng Klinefelter - một rối loạn di truyền ở nam giới dẫn tới không có tinh trùng.
 
Theo bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng Khoa Nam học - Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, trước đây nhiều trường hợp mắc hội chứng này phải chấp nhận xin con nuôi hoặc phải xin "con giống" do không có tinh trùng.
 
Nhưng nhờ ứng dụng phương pháp Micro TESE - mổ vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng, các bác sĩ đã lần tìm, bắt từng "con giống" và thực hiện IVF cho vợ chồng anh L.
 
Theo giới chuyên môn, hiện Micro TESE được đánh giá là một trong những tiến bộ vượt bậc trong việc hỗ trợ sinh sản. Ngoài áp dụng cho bệnh nhân mắc hội chứng Klinefelter, phương pháp này cũng được chỉ định cho các trường hợp nam giới vô sinh do teo tinh hoàn vì mắc quai bị, hội chứng Sertoli, hội chứng sinh tinh giữa chừng...
 
Kỹ thuật hiện đại, tiệm cận thế giới
Ngoài IVF và Micro TESE, tại Việt Nam, nhiều phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn tiên tiến đang được các cơ sở y tế áp dụng như: thụ tinh nhân tạo (IUI), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), hỗ trợ bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP)... Bên cạnh đó, nhiều tiến bộ trong các phác đồ điều trị, nuôi cấy phôi, lưu trữ phôi... đã làm tăng tỉ lệ thành công của một chu kỳ IVF lên tới 60%-70%.
 
Liên quan đến kỹ thuật IVF, bác sĩ Lý Thái Lộc, Trưởng Khoa Hiếm muộn - Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM), thông tin Việt Nam đã bước đầu nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và theo dõi phôi. "Tuy nhiên, trong lĩnh vực này chúng ta còn chậm hơn thế giới vì nền tảng về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam chưa cao. Dù vậy, thời gian tới, với sự phát triển của khoa học máy tính ở Việt Nam, kỹ thuật này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các bệnh nhân hiếm muộn" - bác sĩ Lộc kỳ vọng.
 
PGS-TS Hồ Sỹ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đánh giá trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, về mặt kỹ thuật, quy trình vận hành, có thể ở Việt Nam chưa bằng các nước phát triển nhưng sự chênh lệch này ngày càng được rút ngắn và tiệm cận với nhiều cơ sở ở khu vực cũng như thế giới.
 
"Ở các nước phát triển, họ được đầu tư nguồn lực lớn để nghiên cứu, phát triển nhiều kỹ thuật mới trong hỗ trợ sinh sản nên họ sẽ đi trước chúng ta. Nhưng hiện nay là thế giới phẳng nên việc tiếp cận, học tập và ứng dụng các kỹ thuật này cũng nhanh chóng và thuận lợi hơn" - PGS-TS Hồ Sỹ Hùng nhận định.
 
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức - Bệnh viện Mỹ Đức, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ở nước ta phát triển rất nhanh trong khoảng 10 năm gần đây. Hiện nay Việt Nam đã thực hiện thành công tất cả kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại trên thế giới. Việt Nam là nước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất trong khu vực ASEAN với tỉ lệ thành công thuộc loại cao nhất nhưng chi phí lại thấp nhất.
 
Bác sĩ Tường dẫn chứng một số kỹ thuật như chuyển phôi đông lạnh, IVF không kích thích buồng trứng (kỹ thuật IVM)..., Việt Nam đang dẫn đầu khu vực. "Việt Nam cũng là nước có nhiều công bố khoa học quốc tế liên quan đến kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nhất trong khu vực ASEAN. Nhiều đồng nghiệp trong khu vực và thế giới thường xuyên đến các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm hàng đầu của Việt Nam để tham quan và học tập kinh nghiệm" - bác sĩ Tường thông tin.
 
Điểm đến hàng đầu châu Á
Bác sĩ Lê Long Hồ, quyền Trưởng Đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức Phú Nhuận - Bệnh viện Mỹ Đức, cho biết trước đây một liệu trình IVF mất khoảng 10 - 12 ngày, dùng từ 15 - 20 mũi thuốc tiêm để kích thích buồng trứng, ngăn ngừa rụng trứng và gây trưởng thành noãn. Chưa kể còn cần 2 - 3 lần siêu âm, thử máu.
 
Ngoài những bất tiện về thời gian điều trị, việc tiêm nhiều mũi thuốc kích thích buồng trứng có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng như gây đau, xoắn buồng trứng, thậm chí tử vong.
 
Bác sĩ Hồ cho biết kỹ thuật CAPA-IVM, hay còn gọi là IVF, không cần kích thích buồng trứng, giải quyết được tất cả những vấn đề trên. Thời gian thực hiện kỹ thuật này từ lúc đến bệnh viện đến lúc có phôi chỉ còn 8 ngày, chi phí cũng giảm đáng kể.
 
"So với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á và trên trên thế giới, chi phí thực hiện IVF tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình thấp. Những bệnh nhân từ nước khác đến Việt Nam điều trị có thể tiết kiệm được một phần chi phí.
 
Đây là một trong những lý do quan trọng để Việt kiều ở khắp thế giới lựa chọn về nước để thực hiện IVF ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, chi phí này vẫn khá cao đối với bệnh nhân trong nước. Ngoài ra, IVF cũng chưa được bảo hiểm y tế chi trả" - bác sĩ Hồ cho hay.
 
Dù trong những năm qua bị hạn chế bởi dịch COVID-19 nhưng mỗi năm có không dưới 50-60 ca bệnh mới từ nước ngoài, bao gồm cả Việt kiều, đến Bệnh viện Hùng Vương điều trị vô sinh hiếm muộn.
 
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cũng khẳng định những năm gần đây, ngày càng có nhiều Việt kiều và người nước ngoài đến Bệnh viện Mỹ Đức để thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản do kỹ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả cao và chi phí thấp.
 
"Trên nền tảng phát triển đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành một điểm đến hàng đầu ở châu Á và thế giới về các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản" - bác sĩ Tường khẳng định. 
 
Rẻ hơn nhiều lần, hiệu quả tương đương
Theo thống kê, ở Mỹ, chi phí thực hiện một ca IVF lên tới 25.000 USD (gần 600 triệu đồng). Còn tại Đông Nam Á, ở các nước như Philippines, Singapore, Thái Lan, chi phí IVF khoảng 250 triệu đồng. Trong khi đó, tại Việt Nam chi phí cho một ca IVF chỉ từ 70 triệu đồng.
Tại Bệnh viện Hùng Vương, một trường hợp IVF chỉ tốn khoảng 80-100 triệu đồng với tỉ lệ có thai 55%-60%; tỉ lệ sinh sống khoảng 30%. Trong khi đó, giá thành IVF tại các nước phát triển là 10.000 USD với tỉ lệ có thai cũng như sinh sống là tương đương.
 
NGUYỄN THUẬN - NGỌC DUNG (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu