Thứ tư, 17/06/2020,08:56 (GMT+7)
Triển khai các giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất
Tỉnh đã có sự chủ động trong thực hiện các giải pháp để ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại và các tác động tiêu cực của hạn mặn và dịch Covid-19, nhưng kinh tế - xã hội cũng như các lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh vẫn bị ảnh hưởng. Sản xuất các khu vực trong 6 tháng đầu năm 2020 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019.
 
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Ba Tri.
Sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ tại huyện Ba Tri.
 
Đề xuất các giải pháp
 
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn mặn, đánh giá tác động của hạn mặn, dịch Covid-19 và giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất vừa được UBND tỉnh tổ chức, đại biểu tham dự đã đề xuất một số giải pháp  như: tỉnh rà soát, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí từ các huyện để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 51/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Nghị định số 02/NĐ-CP của Chính phủ. Về lâu dài, tăng cường phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác phòng chống xâm nhập mặn; vận động các tầng lớp nhân dân, các đoàn viên, hội viên sớm triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn mặn.
 
Phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền và vận động người dân tích trữ nguồn nước mưa, nước ngọt; nghiên cứu chọn tạo các giống cây ăn trái hoặc những loại gốc ghép có khả năng chịu hạn mặn tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đầu tư nâng cấp nhà máy, mở rộng tuyến ống cấp nước sạch.
 
Ông Nguyễn Anh Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách kiến nghị: Về giải pháp tín dụng, cần có vốn cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Các sở, ngành nắm bắt thị trường để có định hướng cho người dân chọn cây trồng có giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu. Khuyến cáo người dân đào ao chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 
Giám đốc Sở Công Thương Châu Văn Bình kiến nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện đàm phán để sớm đưa các mặt hàng bưởi, sầu riêng, dừa... vào danh mục hàng hóa được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; hỗ trợ công tác thông tin dự báo thị trường, định hướng cho người dân và DN tổ chức sản xuất kinh doanh theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng sản xuất dư thừa, được mùa mất giá. Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài tổ chức các hoạt động tìm kiếm và kết nối với các khách hàng mới, góp phần hỗ trợ DN, các địa phương chuyển hướng xuất khẩu sang thị trường mới, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc…
 
Khôi phục, thúc đẩy sản xuất
 
Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi đề nghị UBND tỉnh triển khai tốt các giải pháp khôi phục, thúc đẩy sản xuất trong thời gian tới như: Chỉ đạo ngành chức năng, địa phương rà soát, thống kê thật đầy đủ các thiệt hại do hạn mặn; nghiên cứu các quy định cân đối nguồn lực để hỗ trợ cho nông dân. Tập trung triển khai các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phục hồi các vườn cây ăn trái, tạo giá trị sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2020. Nhanh chóng xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đảm bảo có hiệu quả. Triển khai rà soát bổ sung các công trình thủy lợi để khép kín hệ thống thủy lợi. Mục tiêu đến cuối năm 2023, hệ thống thủy lợi khép kín, kiểm soát được mặn. Ngoài vốn JICA, vốn trái phiếu chính phủ, tỉnh sẽ xin bố trí vốn trung hạn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đến năm 2023 đạt mục tiêu kiểm soát mặn toàn tỉnh. Đây cũng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
 
Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường làm việc ngay với đơn vị tư vấn để có kế hoạch xử lý môi trường. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sớm đề xuất kế hoạch phát động, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ cho các địa phương, nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt ở quy mô hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, phát huy hiệu quả phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt” của năm 2016. Xác định thủy lợi và nước sạch là vấn đề sống còn của nhân dân Bến Tre trong thời gian tới nên cần phải tập trung cao.
 
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận, có kế hoạch bảo trì, phát huy hệ thống lọc nước RO; có ngay phương án để đảm bảo các nhà máy nước của tỉnh, kể cả nhà máy nước nông thôn không để xảy ra tình trạng cấp nước mặn cho người dân và DN. Đặc biệt, đảm bảo lượng nước ngọt cho các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư tốt hơn vào địa bàn tỉnh.
 
“Về hậu dịch Covid-19, từng ngành, từng cấp quan tâm triển khai thực hiện theo hướng dẫn ở các lĩnh vực tín dụng, thuế, bảo hiểm, lao động, thị trường… Tập trung các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, hỗ trợ DN. Tổ chức thực hiện các chính sách của tỉnh để hỗ trợ hoạt động du lịch, các DN du lịch, tạo sự kiện kích cầu du lịch” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
 
“Ngành công thương và nông nghiệp cần sát cánh với nhau hơn nữa trong sản xuất và quảng bá kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đối với DN, đây là thời điểm cơ cấu lại DN, phát huy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số để thích ứng và phát triển”.
(Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi)
 
Bài, ảnh: Cẩm Trúc - (baodongkhoi.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu