Thứ sáu, 19/03/2021,07:10 (GMT+7)
Triệu phú dừa sáp
Sau nhiều năm học hỏi và áp dụng mô hình trồng dừa sáp cấy phôi, anh Đặng Minh Bé có thu nhập mỗi tháng hàng trăm triệu đồng. Hiện anh Bé đang mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều để sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường.
Anh Đặng Minh Bé giới thiệu vườn dừa sáp của gia đình.
Anh Đặng Minh Bé giới thiệu vườn dừa sáp của gia đình.
 
Anh Bé kể, anh xuất thân từ huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) -  quê hương của cây dừa sáp nên khi về lập nghiệp tại ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, anh luôn mong muốn đưa cây dừa sáp về phát triển tại đây. Tuy nhiên, cây dừa sáp truyền thống thông thường chỉ có khoảng 2-3 trái sáp mỗi buồng nên hiệu quả kinh tế không cao. Để cải thiện kinh tế gia đình, anh Bé bắt đầu tìm hiểu những nghiên cứu về cây dừa sáp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, phương pháp trồng dừa sáp từ nguồn giống nuôi cấy phôi tỏ ra ưu việt vì tỷ lệ cho trái sáp của cây dừa có thể tăng từ 5-10 lần so với trồng cây dừa truyền thống. Từ đó, anh Bé bắt đầu tham quan, học hỏi để về áp dụng.
 
Năm 2013, sau khi tìm hiểu kỹ phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh Bé đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây trên diện tích 3ha. Theo anh Bé, sau 3 năm trồng, cây dừa ra lưỡi mèo, đến năm thứ 4 cây cho thu hoạch. Nếu chăm sóc kỹ, khoảng 27 ngày thu hoạch một đợt, mỗi cây có thể thu hoạch đến 13 lần trong năm. Đến nay, bình quân mỗi cây dừa thu được 7 trái/đợt. Giá dừa sáp tuy có biến động theo mùa nhưng thường ở mức từ 100.000-150.000 đồng/trái, đặc biệt những ngày lễ, Tết, giá dừa sáp thường tăng lên từ 150.000-250.000 đồng/trái. “Bình quân, mỗi cây dừa sáp cấy phôi thu khoảng 1 triệu đồng/tháng, hiệu quả gấp 5-10 lần so với giống dừa sáp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường” - anh Bé tính toán.
 
Tuy nhiên, cũng theo chia sẻ của anh Bé, hiện nay giá thành sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi vẫn còn cao, khi đến tay nông dân có giá khoảng 800.000 đồng/cây. Trong quá trình trồng, sẽ tốn thêm phân bón, công chăm sóc, đến khi thu hoạch chi phí mỗi cây khoảng 1,2-1,3 triệu đồng. Tuy chi phí cao nhưng chỉ cần chăm sóc tốt là có thể hoàn vốn sau 2 đợt thu hoạch. Theo anh Bé, tuy dừa sáp cấy phôi trồng rất dễ nhưng nhà vườn cần phải chăm sóc kỹ hơn so với các giống dừa truyền thống bởi cây giống rất mắc. Để trồng dừa sáp sai trái, bà con nông dân nên trồng thưa, mỗi cây cách nhau khoảng 7m trở lên để hạn chế các tàu dừa giao bẹ với nhau. Đặc biệt, cần thăm vườn dừa thường xuyên nhằm sớm phát hiện bệnh thối đọt, bọ cánh cứng để xử lý kịp thời. Sau khi thu hoạch 3 đợt nên bón lót 1 lần phân hóa học, mỗi năm nên bón 1 lần phân hữu cơ, mùa khô nên tưới nước thường xuyên để tránh rụng trái.
 
Chia sẻ về hướng phát triển của vườn dừa, anh Bé cho biết: “Thời gian qua, khi tôi thu hoạch xong thì có đại lý tại TP Trà Vinh thu mua bán cho các đối tác ở TP Hồ Chí Minh. Một số để lại làm mứt dừa sáp, kem, kẹo... cũng được tiêu thụ hết. Từ đó cho thấy nhu cầu dừa sáp để ăn tươi, dùng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm và xuất khẩu vẫn còn rất lớn. Tôi sẽ mở rộng vườn dừa, tuyển chọn những cây dừa sáp trái sai, tròn đều, để xây dựng bộ giống dừa chất lượng, năng suất cao nhằm sản xuất giống dừa sáp cấy phôi cung ứng ra thị trường”.
 
Bài, ảnh: BÌNH MINH - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu