Thứ bảy, 20/03/2021,07:17 (GMT+7)
Trở lực đối với tham vọng “carbon trung tính” của Trung Quốc
Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua kế hoạch phục hồi thời hậu COVID-19, trong đó đảm bảo lượng khí thải CO2 đạt đỉnh trước năm 2030, sau đó hướng đất nước đến mục tiêu carbon trung tính trước năm 2060 mà Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hồi năm ngoái.
Than được chất lên tàu tại một cảng ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh: NYT
 
Kế hoạch cũng bao gồm thúc đẩy tăng trưởng xanh, mở rộng mạng lưới thủy điện, năng lượng Mặt trời, năng lượng gió bên cạnh đẩy mạnh xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Kế hoạch ước tính, đến năm 2025, các nguồn nhiên liệu phi hóa thạch sẽ đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc.
 
Tranh cãi căng thẳng chưa từng có
 
Tuy nhiên, việc cắt giảm sử dụng năng lượng than đang là vấn đề tranh cãi gay gắt chưa từng thấy tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Các công ty và khu vực phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch dường như khó thực hiện được kế hoạch đặt ra, đồng thời xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.
 
Một số người ủng hộ mục tiêu carbon trung tính, trong khi số khác lại ủng hộ việc sử dụng than, vốn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp nhưng lại khiến Trung Quốc trở thành quốc gia ô nhiễm hàng đầu thế giới.
 
Theo Thời báo New York, lượng khí thải CO2 hàng năm của Trung Quốc chiếm tới 28% tổng lượng khí thải toàn cầu, gần bằng với lượng khí thải của 3 nhà phát thải lớn tiếp theo là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Ðộ cộng lại.
 
Những người ủng hộ mục tiêu carbon trung tính cho rằng việc nhanh chóng từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển đổi ngành công nghiệp nặng có từ lâu đời sẽ có lợi đối với tăng trưởng kinh tế, đổi mới, sức khỏe và môi trường.
 
Họ cho rằng Trung Quốc có thể tăng cường các nguồn năng lượng như Mặt trời, gió và đạt tới đỉnh phát thải carbon sớm hơn nhiều so với mốc 2030, từ đó giúp làm giảm chi phí cũng như rào cản công nghệ trong việc đạt mục tiêu carbon trung tính.
 
Ngược lại, các tỉnh, công ty nhà nước cũng như nhiều tập đoàn công nghiệp hùng mạnh cho rằng Trung Quốc vẫn cần sử dụng một lượng lớn than cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nhiều năm tới.
 
Trong báo cáo mới đây, Hiệp hội Than Quốc gia Trung Quốc dự báo, đến năm 2025, nước này sẽ tiêu thụ 4,2 tỉ tấn than, đồng thời sẽ hình thành từ 3-5 “doanh nghiệp than cạnh tranh toàn cầu”.
 
Trong báo cáo trước đó, cơ quan này cũng đã nêu ra triển vọng của ngành công nghiệp khai thác than trong vòng 5 năm tới, qua đó khẳng định: “Than giữ vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng của chúng ta. Và vai trò của than là không thay đổi”.
 
Ðáng chú ý, chính quyền các tỉnh gần đây còn đề xuất phát triển thêm các mỏ than và nhà máy điện than mới với cam kết các dự án của họ sẽ hạn chế phát thải CO2. Giới chức ngành than Trung Quốc thì cho rằng nước này vẫn cần than để hỗ trợ các nguồn năng lượng như Mặt trời, gió và thủy điện vốn dễ bị biến động hơn.
 
Ðể thoát khỏi năng lượng than, Trung Quốc phải đối mặt với chi phí đóng cửa nhà máy và mỏ than, trong đó có việc giải quyết chính sách cho hàng triệu công nhân quặng mỏ. Nhiều khu vực phụ thuộc vào than và các công nhân quặng mỏ dường như chưa sẵn sàng cho sự chuyển đổi quan trọng này. 
 
Thách thức lớn cho ông Tập
 
“Có sự căng thẳng tột độ tại Trung Quốc. Một mặt, tại Trung Quốc người ta có cảm giác rằng than đã giúp thúc đẩy nền kinh tế và không muốn từ bỏ nó. Mặt khác, than là mục tiêu lớn nhất của hành động khí hậu, đặc biệt là trong thời gian tới” - Leon Clarke, giáo sư tại Ðại học Maryland, đồng tác giả của nghiên cứu gần đây về các giải pháp cắt giảm khí thải của Trung Quốc, bình luận. Sự tương phản giữa 2 xu hướng này đặt ra thách thức lớn cho Chủ tịch Tập Cận Bình.
 
Vấn đề sử dụng năng lượng than có ý nghĩa chính trị đối với ông Tập. Ông thể hiện bản thân và muốn Trung Quốc thành quốc gia bảo vệ nền “văn minh sinh thái”. Chủ tịch Tập đã thành lập các đội thanh tra môi trường nhằm đảm bảo mục tiêu cắt giảm khí thải. Năm ngoái, ông kêu gọi Trung Quốc cần “phục hồi xanh” sau đại dịch COVID-19.
 
Sự thật, ông Tập đang đứng trước sức ép quốc tế kêu gọi Trung Quốc mở rộng con đường cắt giảm khí thải. Hành động chống biến đổi khí hậu cũng là cách thức Bắc Kinh xây dựng thiện chí quốc tế, nhất là trước Mỹ và EU.
 
Tuy nhiên, sau những tháng đầu tiên của năm 2020 khi lượng khí thải giảm mạnh vì dịch COVID-19 diễn biến tồi tệ, Trung Quốc phải tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng và công nghiệp, kéo theo phải sử dụng năng lượng than để phục hồi nền kinh tế.
 
Và trên thực tế, Trung Quốc đã chấp thuận đối với các nhà máy than mới. Theo Reuters, Hoa Năng - một trong 5 tập đoàn lớn thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc - sắp tái khởi động dự án nhà máy nhiệt điện than Chính Ninh có công suất 4GW sau 4 năm tạm hoãn. Nhà máy có vốn đầu tư 1,9 tỉ USD này sẽ cung cấp điện cho khu vực phía Ðông Trung Quốc.
 
Ðặc biệt, Bắc Kinh đang xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất gần 250GW, đủ để cấp điện cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Ðức.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu