Chủ nhật, 09/06/2019,16:48 (GMT+7)
Trồng mít Thái tự phát, rủi ro lớn!
Gần đây, giá trái mít Thái trên thị trường giảm mạnh so với trước nhưng diện tích trồng mít Thái vẫn tiếp tục tăng tại nhiều địa phương. Bất chấp cảnh báo nguy cơ rủi ro, nhiều nông dân vẫn đẩy mạnh trồng mít theo kiểu tự phát, theo phong trào mà không biết tương lai đầu ra sẽ như thế nào...

Mua bán mít Thái giống tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, giá mít Thái loại 1 (loại 10 kg/trái trở lên) đang được nhiều tiểu thương thu mua với giá 12.000-13.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 đồng/kg so với cách nay 1-2 tháng. Các năm 2017, năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, giá trái mít Thái thường xuyên ở mức cao, từ 40.000-55.000 đồng/kg, thậm chí có một số thời điểm giá lên tới 60.000-65.000 đồng/kg. Nguyên nhân do mít Thái được thương lái thu mua xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc. Theo nhiều nông dân, với giá mít Thái từ 10.000 đồng/kg là nông dân có thể “sống khỏe”, còn giá từ 40.000-55.000 đồng/kg, nhiều nông dân dễ dàng có thể trở thành tỉ phú khi mỗi héc-ta mít cho thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng/năm. Do vậy, mít Thái vẫn còn là cây trồng hấp dẫn đối với nhiều nông dân. Bởi chỉ cần trồng từ 12 đến 15 tháng cây mít Thái đã bắt đầu cho trái, nếu chăm sóc tốt năng suất trung bình có thể đạt 20-25 tấn/ha/năm.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2017 diện tích trồng mít Thái cả nước khoảng 21.075ha, đến năm 2018 tăng lên 26.174ha, năng suất 16,5 tấn/ha, sản lượng trên 307.530 tấn,  vùng ĐBSCL có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 10.100ha,  trong đó có hơn 6.396ha đang cho thu hoạch. Tổng diện tích mít Thái trồng mới cả nước trong năm 2017 đến 2018 là 5.789ha, diện tích trồng mới tăng nhanh nhất tại các tỉnh ĐBSCL, với tổng diện tích từ năm 2017 đến nay là 5.129ha. Cụ thể, năm 2017 là 581ha, năm 2018 là 2.407ha, từ đầu năm 2019 đến nay là 1.141ha, tập trung nhiều tại tỉnh Tiền Giang và Hậu Giang.

Trước thực tế trên, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần rà soát lại diện tích mít Thái đã trồng, có định hướng cụ thể vùng sản xuất, tránh để nông dân phát triển “nóng”, sản xuất trên những vùng đất không phù hợp, có nguy cơ ngập úng trong mùa lũ, xâm nhập mặn trong mùa khô. Tăng cường công tác quản lý giống, quản lý tốt cây đầu dòng, vườn đầu dòng và các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn. Tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao quy trình sản xuất, quản lý sâu bệnh tới người sản xuất, đặc biệt các giải pháp kỹ thuật cụ thể cho các hình thức khác nhau như: trồng xen, trồng thuần trên đất lúa... Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trong liên kết sản xuất theo hướng quản lý vùng trồng được bao tiêu và hợp đồng sản xuất.

Để giảm thiểu rủi ro cho người trồng mít Thái, vừa qua Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cũng đã gửi Công văn yêu cầu Sở NN&PTNT các địa phương cần thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn  người dân trong việc chuyển đổi cây trồng đúng kế hoạch, theo tín hiệu thị trường, tránh hiện tượng chuyển đổi tự phát, theo phong trào. Rà soát lại diện tích đã chuyển đổi, thực hiện chuyển đổi theo đúng hướng dẫn của Thông tư 19/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-11-2017 và Quyết định 586/QĐ-BNN-TT ngày 12-2-2018 của Bộ NN&PTNT về Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2017-2020. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ cây giống, hướng dẫn người dân trình tự thủ tục chuyển đổi, kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo hiệu quả cao trong chuyển đổi cây trồng và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Khánh Trung - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu