Thứ ba, 08/10/2019,08:34 (GMT+7)
Trồng rau an toàn: Chưa giúp nông dân làm giàu
Cùng với cây lúa và con tôm, rau màu cũng được xếp vào nhóm cây trồng mang lại lợi nhuận kinh tế cao và góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Trong đó, rau màu sản xuất theo phương thức an toàn, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm mức dư lượng kháng sinh... là hướng đi tất yếu và bền vững.

 Đoàn cán bộ Sở NN&PTNT tham quan mô hình trồng rau cần nước ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long).

Giá cả, đầu ra chưa ổn định

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng, phát triển nhiều mô hình trồng rau sạch (với tổng diện tích sản xuất hơn 14.000ha) nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đơn cử như mô hình trồng rau trong nhà lưới của nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi); trồng ngò rí, cải rổ, hẹ… theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân TP. Bạc Liêu; trồng rau cần trong nhà lưới ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long)… Tuy nhiên, nhiều mô hình sản xuất rau an toàn vẫn chưa thể giúp nông dân làm giàu bởi giá cả, đầu ra chưa ổn định.

Ông Trương Minh Bạch (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Chúng tôi trồng rau an toàn nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Thế nhưng, điều đáng buồn là người tiêu dùng hay “đánh đồng” rau sạch và mua như giá các loại rau trồng theo phương thức cũ”.

Việc rau sạch khó tìm đầu ra ổn định, nguyên nhân cơ bản là thiếu mô hình quản lý để nâng cao giá trị cây màu. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, rau màu được sản xuất ở khu vực “vành đai xanh” của TP. Bạc Liêu không chỉ vượt trội về năng suất, mà còn đạt cả chất lượng. Tuy nhiên, người trồng rau màu luôn phải đối mặt với việc được mùa mất giá, và rau màu của TP. Bạc Liêu phải núp bóng dưới danh nghĩa “nhập từ tỉnh ngoài”. Điển hình là nhiều cây màu sản xuất ở TP. Bạc Liêu như củ cải, xà lách, măng tây… khi đưa vào siêu thị phải mang tên “rau nhập từ Đà Lạt”. Bởi, theo quy định của các siêu thị, hàng hóa được bày bán ở đây phải có nguồn gốc, xuất xứ, sản xuất theo quy trình sạch và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn làm được việc này, vùng sản xuất rau màu phải được quy hoạch, sản xuất theo quy trình, được cấp giấy chứng nhận rau an toàn.

 Nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) trồng rau màu trong nhà lưới. Ảnh: C.L

Cần sớm tháo gỡ khó khăn

Để khắc phục những bất cập trên, các địa phương cần khuyến cáo nông dân không sản xuất tràn lan, mà có sự chọn lựa gắn với việc sản xuất chuyên canh từng loại cây trồng. Bởi, vùng chuyên màu của TP. Bạc Liêu được mệnh danh là “vành đai xanh” có tổng diện tích sản xuất màu lớn nhất tỉnh với gần 4.000ha, cho tổng sản lượng gần 55.000 tấn/năm, nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng được quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất rau màu. Không có quy hoạch cũng đồng nghĩa với việc chưa được đầu tư về hạ tầng, chưa thể sản xuất rau sạch, rau an toàn hay hình thành các vùng chuyên canh, và mạnh ai nấy trồng. Đây là nguyên nhân làm cho các siêu thị, doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa thể ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, ngành quản lý vẫn chưa làm tốt công tác hỗ trợ và xúc tiến thị trường tiêu thụ, chưa hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất theo mô hình “từ cánh đồng đến nhà máy”. Dù khuyến khích nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn nhưng đến nay các đơn vị có trách nhiệm vẫn chưa xây dựng được điểm bán rau sạch, rau an toàn. Do vậy, nhiều mô hình sản xuất rau sạch nhanh chóng bị phá sản, nông dân quay lại với kiểu sản xuất cũ.

Ông Lâm Đại Hoàng, người trồng rau sạch ở xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: “Rau trồng theo mô hình an toàn sinh học hay trồng theo cách truyền thống, nếu nhìn sơ qua thì thấy không có gì khác nhau. Vì vậy, ngành quản lý nên mở các điểm bán mặt hàng nông sản sạch hoặc có giấy chứng nhận, logo… để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn, và người trồng rau cũng đỡ phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm”.

Khôi Nguyên - (baobaclieu.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu