Thứ hai, 28/10/2019,10:25 (GMT+7)
Trường Đại học Đồng Tháp được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên phổ thông
Cùng với nhiệm vụ cung cấp các kĩ năng, kiến thức cho học sinh (HS) phổ thông (PT), việc tạo cho các em tâm lí thoải mái, được vui chơi bên cạnh việc học tập, bày tỏ suy nghĩ, tự tin thể hiện năng lực, năng khiếu, sở thích, nhu cầu của mình trong từng giai đoạn phát triển là một việc làm rất cần thiết. Vì vậy, công tác tư vấn HS trong trường PT nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của các em ở từng lứa tuổi cụ thể, là vấn đề cần được quan tâm kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Giáo viên phổ thông cùng thảo luận, phân tích các tình huống tư vấn học sinh

Từ năm 2018, Trường Đại học Đồng Tháp - trong 6 cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng năng lực tư vấn cho giáo viên (GV) PT làm công tác tư vấn cho HS. Chương trình bồi dưỡng gồm các nội dung như: Một số vấn đề chung về tư vấn cho HS và nhu cầu tư vấn của HS; các kĩ năng tư vấn cơ bản; tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của HS; tư vấn HS gặp khó khăn về tâm lí; tư vấn HS có hành vi lệch chuẩn; tư vấn học tập và hướng nghiệp; tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản,...

Chương trình bồi dưỡng năng lực tư vấn cho GV PT có nhiều nội dung cập nhật thực tế, gắn liền lý thuyết với thực hành. Do vậy, hoạt động bồi dưỡng phải đảm bảo kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; giữa kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành. Học viên được tiếp cận, vận dụng các phương pháp sư phạm tích cực nhằm giúp học viên cập nhật, tiếp thu được tối đa kiến thức, kỹ năng cần thiết, giúp học viên có thể áp dụng vào công việc một cách linh hoạt.

Trong quá trình tham gia bồi dưỡng, GV PT sẽ được làm việc với những tình huống thực tiễn từ đội ngũ giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và giáo dục ở các chuyên ngành tâm lý học, giáo dục học, nhân học và sư phạm. Đặc biệt, với sự trải nghiệm trong công tác tư vấn HS ở trường PT, GV có thể trao đổi, kết hợp với giảng viên để tìm ra các cách xử lý tốt nhất cho các vấn đề thực tế mình đã và đang gặp phải. GV sẽ chủ động vận dụng các nội dung kiến thức, kỹ năng đã được học về tư vấn cho HS trong quá trình công tác, giảng dạy của mình ở nhà trường, từ đó trao đổi cùng giảng viên về các tình huống thực tiễn để ứng xử phù hợp.

GV PT sau khi hoàn thành khóa học đạt được các mục tiêu cụ thể: Nhận thức được sự cần thiết của công tác tư vấn cho HS; nắm được bản chất, nội dung, hình thức, nguyên tắc, quy trình tư vấn đối với HS PT; hiểu được đặc điểm và nhu cầu được tư vấn của HS PT; vận dụng đúng quy trình và nguyên tắc chung để tiến hành tham vấn, hướng dẫn HS giải quyết vấn đề cụ thể của chính các em; vận dụng được một số phương pháp, kỹ thuật tìm hiểu, đánh giá khó khăn tâm lý của HS và lập kế hoạch tư vấn để giúp các em giải quyết các vấn đề cụ thể của bản thân; sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu để đánh giá HS một cách khách quan, có kỹ năng định hướng, hỗ trợ HS khi các em gặp các vấn đề cần giải quyết.

Tiến sĩ Lương Thanh Tân - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Với sự trang bị nền tảng kiến thức cơ bản và cập nhật những tình huống cụ thể thực tế trong công tác tư vấn cho HS, vai trò của GV PT không chỉ là người định hướng mà sẽ là người bạn đồng hành cùng HS, hướng dẫn các em HS có sự nhận thức phù hợp, đúng đắn, phát triển toàn diện về kiến thức và tâm lí. Từ đó các em sẽ tự tin, mạnh dạn thể hiện cá tính, năng lực và có lựa chọn phù hợp trong tương lai, dễ dàng thích nghi trước nhu cầu không ngừng phát triển của xã hội. Đây không chỉ là mục tiêu hướng đến của Trường Đại học Đồng Tháp mà còn là mục tiêu của đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay”.

THANH NGUYÊN - (baodongthap.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu