Thứ ba, 31/12/2019,07:38 (GMT+7)
Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An: Góp phần phát triển ngành du lịch
Ngày nay, không ai có thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói này. Du lịch mang lại lợi nhuận cao, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng và tạo việc làm cho nhiều người. Phát triển du lịch còn thúc đẩy các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
 
Làng nổi Tân Lập là một trong những địa điểm du lịch tại Long An thu hút du khách (Ảnh: Thanh Mỹ)

Làng nổi Tân Lập là một trong những địa điểm du lịch tại Long An thu hút du khách (Ảnh: Thanh Mỹ)
 
Những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam phát triển, từng bước trở thành một trong những ngành kinh tế then chốt. Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngay sau đó là việc thông qua Luật du lịch mới ngày 19/06/2017 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành kinh tế đầy tiềm năng này.
 
Theo công bố báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam tăng 4 bậc từ hạng 67 lên 63/140 quốc gia, chỉ xếp sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, nằm trong yếu tố chính sách và điều kiện hỗ trợ thì mức độ mở cửa quốc tế của du lịch Việt Nam xếp hạng 58, tăng 15 bậc. Có được kết quả này chủ yếu do chỉ số yêu cầu thị thực của Việt Nam đã cải thiện từ 116 tăng lên 53. Năm 2019, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế (gần gấp đôi so với năm 2016). 
 
Theo xu hướng của quốc gia cũng như nhu cầu của địa phương và các khu vực lân cận, trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An (DLA) quyết định thành lập Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Sau khi nhận Quyết định số 1197/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, DLA chính thức thông báo tuyển sinh và đào tạo ngành theo trình độ đại học vào đầu năm 2018. Đây không chỉ là một thách thức mới cho DLA mà còn là một cơ hội để thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch tại tỉnh.
 
Dưới đây là 3 điểm lợi ích quan trọng mà DLA có thể đem lại cho địa phương trong tương lai gần:
 
Đầu tiên, DLA sẽ là nguồn cung cấp nhân lực có trình độ chuyên môn cao cho ngành du lịch của địa phương và các vùng lân cận. Đây là một ngành công nghiệp mà muốn lớn mạnh phải dựa vào dịch vụ, giao tiếp. Không phải ngẫu nhiên mà những quốc gia được đánh giá “friendly” luôn là những điểm đến ưu tiên của khách du lịch. Để biến điểm thu hút này từ tiềm năng trở thành thế mạnh không phải là một việc dễ dàng. Thực tế, Việt Nam luôn nằm trong danh sách top 10 quốc gia thân thiện nhất thế giới (bảng xếp hạng The 10 Friendliest Countries for Expats của inc.com, bảng xếp hạng The World’s Friendliest Countries của Forbes) nhưng lại không thuộc những quốc gia có ngành du lịch phát triển nhất.
 
Một trong những quốc gia làm tốt điều này là Thái Lan (được nhiều người mệnh danh là “vùng đất của những nụ cười” - “land of smiles”). Tỷ lệ du khách quay lại đất nước này đạt đến hơn 60% trong khi tại Việt Nam hơn 80% khách nước ngoài không trở lại sau khi đến nước ta (báo cáo của Tổng cục Du Lịch 2017). Tuy có nhiều nguyên nhân nhưng không thể phủ nhận giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thành công cho Thái Lan. Đất nước của nụ cười có được một nền giáo dục mạnh mẽ rực rỡ cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao (đại học Prince of Songkla, đại học Bangkok, đại học Mahidol, đại học Burapha... đều là những trường nổi tiếng trên thế giới với chương trình đào tạo ngành du lịch ưu tú và tiên tiến). Có thể thấy được những người sau khi tham gia đào tạo, tầm nhìn sẽ được nâng cao hơn, bố cục sẽ rộng lớn hơn và được trang bị nhiều kỹ năng hơn.
 
Cụ thể, các sinh viên sẽ được tiếp xúc những khái niệm quan trọng trong ngành du lịch:
 
► “Khoảnh khắc sự thật” - “moment of truth” (MoT): Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy nếu khách hàng trải nghiệm MoT tích cực thì ấn tượng sẽ rất khó phai và luôn nhắc đến nó với người khác (Lovelock, 2002; Jim Lecinski, 2011 Brian Solis, 2013).
 
► Các loại tài nguyên: Không có nguồn tài nguyên nào là vô tận nếu không bảo vệ và giữ gìn thích đáng.
 
► Khách hàng: Định nghĩa về khách hàng tiềm năng, khách hàng thân thiết… một trong những bài học quý giá đó là giữ chân một khách hàng luôn rẻ hơn việc tìm một vị khách mới.
 
► Customer service - dịch vụ khách hàng: Hiểu rõ khách muốn gì và làm gì. Đem lại những trải nghiệm khó quên và thu về sự hài lòng của họ.
 
Đây chỉ là một phần trong chương trình mà nếu không được đào tạo bài bản thì rất khó nắm bắt và áp dụng vào thực tế.
 
Vấn đề thứ hai là về cả về tầm vi mô lẫn vĩ mô của ngành du lịch tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Chúng ta chưa chính thức áp dụng được “công nghiệp” vào ngành du lịch, chỉ có thể gọi nó là “dịch vụ - du lịch” vì thực tế, ở nhiều nơi nó là sự kết hợp của nhiều dịch vụ nhỏ, tự phát triển, chạy theo xu hướng và mạnh ai nấy làm. Công nghiệp là phải được chuẩn hóa, phải được kết hợp đồng bộ giữa các bộ phận và có hướng phát triển cụ thể rõ ràng. DLA hy vọng sẽ góp được một phần xây dựng điều này.
 
Trước hết, Khoa Du lịch của trường sẽ đề ra một chuẩn mực mới cho địa phương về nhân lực và nghiệp vụ với những yêu cầu tối thiểu về trình độ, kỹ năng và kiến thức. Từ những chuẩn mực này, các bên liên quan đều sẽ thu được những lợi ích thiết thực và hình thành vòng tuần hoàn tích cực: Nhân viên có trình độ và chuyên môn cao => khách hàng hài lòng hơn => Doanh nghiệp thu lợi nhuận nhiều hơn => Đãi ngộ của nhân viên được nâng lên.
 
DLA hy vọng trở thành cầu nối cho các dịch vụ, doanh nghiệp để hình thành nên 1 ngành công nghiệp du lịch vững chắc cho địa phương. Trên thực tế, trường đại học là nơi dễ dàng kết bạn, cùng nhau khởi nghiệp và được ưu tiên tuyển chọn nhân viên nhất. Khi các cựu học sinh, sinh viên của trường quyết tâm và cùng nhau hoạt động sẽ trở thành một sức mạnh to lớn đủ để thực hiện những nhiệm vụ.
 
Tiếp đến là sự nâng cao ý thức cho các học viên qua các môn học bao gồm ý thức tự giác, ý thức về tài nguyên và ý thức về trách nhiệm. Trước tiên là ý thức tự giác, nó giúp sinh viên sống và làm việc tốt hơn vì nó rèn luyện cho bản thân sự ngăn nắp trong quản lý thời gian, trong các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Một người có tác phong chuẩn mực và luôn hoàn thành công việc đúng thời hạn sẽ được chào đón. Tiếp theo là vấn đề ý thức về bảo vệ tài nguyên môi trường.
 
Đây được coi là một trong những “lỗ hổng” lớn trong nền giáo dục Việt Nam hiện đại. Ai cũng biết môi trường tự nhiên rất quan trọng nhưng ít ai có ý thức bảo vệ nó. Một số trường ra sức tuyên truyền và mở lớp giáo dục nhưng phần đông sinh viên bỏ qua vì nó không phải là “môn chính”. DLA sẽ cố gắng tuyên truyền và giáo dục cho các em ý thức quan trọng này. Sau cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là ý thức trách nhiệm, DLA hy vọng sẽ chuẩn bị sẵn sàng cho các em tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Chỉ có những người có tinh thần trách nhiệm mới vừa không bảo thủ mà đương đầu với thất bại và vượt qua nó./.
Th.s Hà Nhật Quang
 
Theo (baolongan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu