Theo Sở Giáo dục vào Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, năm học 2016-2017, TP HCM có 8 trường tiểu học thực hiện theo mô hình tiên tiến, đến năm 2017-2018 có thêm 4 trường. Trong khi đó, năm học 2018-2019 chưa có trường nào đăng ký. Năm học 2019-2020 có thêm một trường đăng ký mới là Trường Tiểu học Linh Chiểu (quận Thủ Đức). Như vậy, qua 4 năm triển khai, toàn TP mới chỉ có 13 trường tiểu học thực hiện được mô hình tiên tiến.
Phá chuẩn sĩ số
Áp lực lớn nhất khi xây dựng các trường tiên tiến là giải quyết vấn đề sĩ số, bởi yêu cầu của mô hình trường này là mỗi lớp không được quá 30 học sinh (HS). Chính vì yêu cầu khắt khe này, dù có quyết định của UBND TP HCM với nhiều cơ chế ưu tiên, khuyến khích nhưng nhiều quận, huyện đến nay vẫn không thể triển khai.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Bàu Sen, một trường thực hiện mô hình tiên tiến Ảnh: TẤN THẠNH
Ở giai đoạn đầu (năm học 2016-2017), tại quận 7, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT, khó khăn nhất là phải giải quyết chỗ học vì tốc độ tăng dân số quận 7 gấp nhiều lần các quận, huyện khác. Khi quận 7 khởi công xây dựng một trường mới tại phường Phú Thuận thì Trường Tiểu học Võ Thị Sáu mới có thể có điều kiện đáp ứng mô hình tiên tiến. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trường vẫn không thể thực hiện được vì áp lực sĩ số quá lớn.
Không những khó khăn ở các địa bàn chưa triển khai được, với những trường đã xây dựng mô hình tiên tiến, vẫn có nơi phải… phá chuẩn. Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng trường tiểu học thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế do Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức mới đây, bà Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen (quận 5), cho biết trong năm đầu tiên trường tuyển sinh theo mô hình với sĩ số 32-34 HS/lớp. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, dân số tăng đột biến nên đẩy sĩ số lớp học lên 37 HS/lớp. Sau đó, Phòng GD-ĐT quận chỉ đạo phải giảm xuống còn 32 HS/ lớp.
Bà Thừa cũng cho hay dù thực hiện theo mô hình tiên tiến nhưng trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, lý do là trường vẫn phải tuyển sinh đại trà theo phân tuyến địa bàn nên không có sự lựa chọn về trình độ HS...
Đau đầu bài toán học phí
Theo Quyết định 3036 của UBND TP HCM về cơ chế thu học phí tại các trường tiên tiến, mức học phí được tính toán trên cơ sở các khoản chi thực tế theo giờ giảng và các hoạt động chuyên môn, đầu tư trang thiết bị, tài liệu dạy học. Mức thu bao gồm: Học phí chính quy 120.000 đồng/HS/tháng; khoản thu còn lại được thỏa thuận để bảo đảm các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình nhưng tổng mức thu không quá 1,5 triệu đồng/HS/tháng. Theo hiệu trưởng các trường đang thực hiện mô hình, mức thu này hiện nay không bảo đảm các điều kiện trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như tổ chức các hoạt động trong trường cho HS.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (quận 10), cho hay nhà trường đã rất nỗ lực trong việc mua sắm các thiết bị dạy học. Tuy nhiên, hiện nay do trường đã qua 17 năm sử dụng nên cơ sở vật chất đã bắt đầu xuống cấp, khó đáp ứng chương trình học.
Bà Đỗ Ngọc Chi, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho rằng để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động dạy học nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lực tư duy, khơi dậy sự sáng tạo của HS thông qua các câu lạc bộ... thì việc trang bị cơ sở vật chất, chuẩn bị nguồn giáo viên chuyên ngành cũng là một trong những khó khăn mà nhà trường gặp phải và cần khắc phục trong quá trình thực hiện.
Trong khi đó, để xây dựng được mô hình trường đúng chuẩn tiên tiến, nhiều trường kiến nghị được tự chủ tuyển sinh. Theo bà Trương Diệu Thừa, nhà trường đã kiến nghị với Phòng GD-ĐT quận 5 để đề xuất với UBND quận trong năm tới đây được tự chủ tuyển sinh để có thể chọn lựa được những HS có đầy đủ điều kiện theo học chương trình. Nhiều ý kiến đề xuất nâng mức thu từ 1,5 triệu đồng/tháng lên 1,65 triệu đồng/tháng nhưng theo Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT TP HCM, vì quy định đã có nên không thể làm khác được.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, chính áp lực về sĩ số, áp lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học nên sở tham mưu với UBND chọn trên địa bàn quận, huyện một số trường để thực hiện thí điểm mô hình. Theo nghị quyết Đảng bộ Sở GD-ĐT, phấn đấu xây dựng ở mỗi quận, huyện có ít nhất 3 trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình trên. Với tình hình này, mục tiêu trên có nhiều nguy cơ không thể hoàn thành.
Tiêu chí của mô hình tiên tiến
Theo Quyết định 3036, mỗi trường tiên tiến ở từng cấp học, từ mầm non trở đi, sẽ có những tiêu chí riêng từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Chẳng hạn ở bậc tiểu học: Có 100% giáo viên đạt chuẩn và 70% giáo viên trên chuẩn; giáo viên dạy tiếng Anh phải đạt trình độ B2. Số lớp, lượng trẻ bảo đảm theo quy định tại điều lệ trường mầm non. Diện tích sân chơi được quy hoạch, thiết kế phù hợp, có vườn cây dành riêng cho trẻ chăm sóc. Sân vườn có ít nhất 10 loại thiết bị và đồ chơi, có khu chơi giao thông và sân khấu ngoài trời. Số lớp trong một trường không quá 30, số HS trong mỗi lớp không quá 30.