Chủ nhật, 10/05/2020,09:23 (GMT+7)
Tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà
Bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra tình trạng điều hòa để tránh bị thợ sửa chữa “bắt chẹt” khi bảo dưỡng.
 
 
Vì sao điều hòa kém lạnh?
 
Chuẩn bị cho mùa nóng, nhiều hộ gia đình mời thợ đến vệ sinh, bảo dưỡng kiểm tra lại điều hòa. Công việc gồm vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh, kiểm tra rò rỉ điện, điều khiển từ xa, quạt gió dàn nóng, lạnh, cơ chế đảo gió, máng và ống thoát nước… Khi có cảm giác kém lạnh sẽ tiến hành kiểm tra lượng gas nạp. Thợ thường nói là thiếu gas và cần nạp bổ sung. Thợ sửa sẽ tiến hành đo lượng gas có trong dàn nóng và tiến hành bơm gas sau khi thông báo với chủ nhà về số tiền sẽ phải trả.
 
Theo cuốn “Dạy nghề Sửa chữa Tủ lạnh và Máy Điều hòa dân dụng” - Nhà xuất bản Giáo dục 2018 thì có nhiều nguyên nhân kém lạnh khác nhau như phin lọc không khí bị bẩn. Có vật cản đường gió ở dàn lạnh (ví dụ bị bẩn, vướng tủ, vướng rèm) và dàn nóng (bị bẩn, lá cây, giấy báo, vướng tường, hút phải khí nóng từ máy điều hòa khác, không thông thoáng…). Cài đặt nhiệt độ chưa đúng. Cửa ra vào và cửa sổ đóng không kín. Lưu lượng gió và hướng gió đặt chưa chuẩn. Quạt dàn nóng và dàn lạnh bị hư hỏng không bảo đảm lưu lượng…
 
Trong cuốn sách trên không đề cập đến kém lạnh là do thiếu hoặc thừa gas. Vì sao lại như vậy? Về nguyên tắc, khi lắp đặt máy, lượng nạp đã được kiểm tra cẩn thận, thừa thì đã xả bớt ra, thiếu thì đã nạp thêm vào. Và khi các mối nối loe vặn chặt theo đúng moment lực yêu cầu (mỗi cỡ loe có moment lực yêu cầu khác nhau, vặn lỏng quá mối loe có thể chưa kín hẳn, vặn chặt quá mối loe có thể bị gãy) thì coi như kín hoàn toàn và máy sẽ vận hành trong nhiều năm đến hết tuổi thọ (15 - 20 năm) không cần nạp lại, thêm.
 
Vậy khi nào máy bị kém lạnh do thiếu gas? Máy bị kém lạnh do thiếu ga chỉ khi dàn và đường ống bị thủng, rò rỉ do bị rỉ sét hoặc do bị rung, va chạm, gãy, nứt ống… Trong các trường hợp này, máy sẽ mất lạnh hoàn toàn chứ không kém lạnh. Công việc khắc phục khá phức tạp là phải làm thủ tục thử kín toàn bộ hệ thống đường ống tại hiện trường bao gồm cả dàn nóng, dàn lạnh, các mối hàn, mối nối loe… bằng nước xà phòng, máy dò ga điện tử… Nếu không phát hiện được vị trí rò rỉ thì phải tháo dỡ dàn nóng, dàn lạnh để thử kín bằng cách nhúng trong bể nước, sau khi xác định và khắc phục vị trí rò rỉ rồi thì lắp lại, tiến hành các thủ tục thử chân không, thử kín bằng môi chất và nạp ga trở lại.
 
Tự kiểm tra điều hòa thiếu gas
 
Khi điều hòa phải làm lại gas thì lưu ý là phải nạp đúng và nạp đủ loại gas của máy. Có nhiều loại ga khác nhau nhưng hiện nay máy điều hòa dân dụng chủ yếu sử dụng ba loại là R22, R410A và R32. Không có loại gas đắt hay rẻ tiền như nhiều thợ sửa điều hòa vẫn nói. Công việc sửa chữa có thể kéo dài trong một vài ngày. Vậy làm thế nào để kiểm tra điều hòa thiếu gas khi không có dụng cụ kiểm tra? Giống như cơ thể con người, máy điều hòa cũng vậy. Khi khỏe mạnh hay bệnh tật đều có rất nhiều biểu hiện cụ thể.
 
Máy điều hòa làm việc bình thường nếu khi đặt nhiệt độ phòng 27 độ C, tốc độ gió cao nhất, cho chạy ổn định khoảng 30 phút thì dàn lạnh lạnh đều, nhiệt độ dàn trên tất cả các hàng ống khoảng 5 độ C, đầu ra hàng ống cuối cùng khoảng 10 độ C. Dàn nóng nóng đều (tất cả các hàng ống nóng đều) và có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường khoảng 15 độ C. Đầu ra hàng ống cuối cùng cao hơn nhiệt độ môi trường 10 độ C (ví dụ nhiệt độ ngoài trời 35 độ C thì nhiệt độ dàn nóng 50 độ C, đầu ra hàng ống cuối 45 độ C).
 
Khi máy điều hòa thiếu gas, trong điều kiện trên, nhiệt độ dàn lạnh không đồng đều. Đầu dàn thì lạnh, có thể có tuyết bám nhưng giữa dàn và cuối dàn thì không lạnh. Dàn nóng cũng vậy, không nóng đều, chỉ nóng một vài hàng ống đầu tiên còn các hàng ống phía sau không nóng. Máy điều hòa hết gas thì dàn lạnh và dàn nóng hoàn toàn mất nhiệt.
 
Không nên mua máy quá cũ
 
Khi chọn mua điều hòa cũ, nên kiểm tra kỹ các chi tiết kỹ thuật. Chỉ nên mua loại máy vẫn còn chạy tốt, đã dùng rồi nhưng không quá cũ nát. Về nguyên tắc, máy càng cũ thì càng tốn điện. Tốt nhất là chọn loại máy đã qua sử dụng khoảng 2 - 4 năm, được bảo dưỡng tốt thì vẫn còn sử dụng được. Nên mua loại điều hòa cũ trong nước hơn là loại điều hòa nhập khẩu. Nên chọn dòng máy càng mới càng tốt, của thương hiệu càng phổ biến càng tốt. Tuyệt đối không mua loại máy tuổi thọ hàng chục năm mà không được bảo dưỡng. Bởi loại điều hòa này có thể “chết” bất cứ lúc nào.
 
Đặc biệt, khi mua các loại điều hòa cũ nhập khẩu thì phải lưu ý. Ví dụ, điều hòa ở Nhật Bản người ta sử dụng điện thế 100 - 200V nhưng ở Việt Nam lại là dòng điện 220 - 240V. Với dòng điện này, máy chạy ở Nhật Bản sẽ là 3.600 vòng/phút nhưng ở Việt Nam chỉ đạt 2.900 vòng/phút. Ngoài ra khi đem về Việt Nam, muốn sử dụng phải có biến thế đặc biệt để chuyển dòng điện 220V thành 200V. Nếu không có biến thế mà cứ thế dùng thì máy rất nóng và nhanh hỏng.
 
Nguồn: (giaoducthoidai.vn)
T/h: Nguyễn Quyên - (dongbang.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu