Thứ hai, 24/10/2022,09:13 (GMT+7)
Từ vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Công ty An Đông, đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý
Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, từ những vụ việc vi phạm thời gian qua cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
 
Ngày 22-10, thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến năm 2023 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng năm 2022 mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh về kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến cả năm rất khởi sắc, khả quan, cơ bản các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đều đạt được.
 
Tuy nhiên, vị đại biểu là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công khi hết 9 tháng năm 2022 mới chỉ thực hiện được 40%. "Năm nào chúng ta cũng nói đầu tư công là điểm nghẽn nhưng nghẽn chỗ nào, ở trung ương hay địa phương. Chính phủ chỉ đạo như thế nào trong thời gian tới để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tôi cho rằng Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan" - đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
 
Từ vụ Tân Hoàng Minh, FLC, Công ty An Đông, đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý - Ảnh 1.
Đại biểu Trần Văn Khải phát biểu tại thảo luận tổ ngày 22-10
 
Bên cạnh đó, đại biểu Khải cũng nêu rõ chương trình phục hồi kinh tế, Nghị quyết 43 của Quốc hội được triển khai chậm. Nghị quyết chỉ có hiệu lực thi hành trong 2 năm kể từ ngày 11-1-2022 đến ngày 31-12-2023, tính đến nay đã gần 1 năm rồi nhưng về căn bản toàn bộ gói chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng 113.550 tỉ đồng chưa giải ngân, ảnh hưởng rất lớn đến sử dụng vốn và mục tiêu, ý nghĩa của nghị quyết là tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
 
Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng là vấn đề được đại biểu Trần Văn Khải nêu ra tại thảo luận tổ. Theo vị đại biểu, vừa qua, đã xảy ra một số vụ án lớn về bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty An Đông. "Đây là những vấn đề cử tri hết sức quan tâm và đặt vấn đề trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp" - ông Khải cho hay.
 
Ngoài ra, cử tri cũng lo lắng về việc ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại trước tình hình nợ xấu gia tăng và hiện tượng bất ổn ở một vài ngân hàng thương mại gần đây. Vị đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ khoảng trống pháp lý nào trong quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán để có giải pháp khắc phục.
 
Tại buổi thảo luận, vị đại biểu đoàn Hà Nam cũng nêu tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân có hiện tượng tăng cao, khi có khoảng 39.000 cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang khu vực tư nhân hoặc nghỉ việc trong 2 năm rưỡi vừa qua. Ông Trần Văn Khải đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ về chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, từ đó đưa ra giải pháp.
Đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2022, đại biểu Trần Văn Khải lưu ý tổng nợ thuế hiện tăng so với thực hiện 2021. Do đó, Chính phủ đánh giá kỹ nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc đẩy nhanh tiến độ thu hồi, xử lý nợ đọng.
 
"Ngân sách năm nào chúng ta thu đạt và vượt, việc này phải chăng dự toán chúng ta còn thấp, từ đó thu thực tế đều tăng cao, kể cả những năm 2020 - 2021 có dịch COVID-19" - đại biểu Trần Văn Khải đặt vấn đề.
 
Trước đó, thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề cập đến việc xây dựng dự toán thu ngân sách Nhà nước không sát thực tế, còn quá thận trọng có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa, khi thu ngân sách 9 tháng đã đạt 94%, ước cả năm vượt dự toán hơn 14%.
 
Do đó, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo làm rõ việc thu ngân sách tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và Nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải cho biết cử tri và doanh nghiệp đang hết sức quan tâm đến tiến độ phê duyệt quy hoạch điện VIII. Cử tri và doanh nghiệp mong Chính phủ sớm có phê duyệt quy hoạch điện VIII để các doanh nghiệp có thể triển khai được và xử lý những tình huống phát sinh hài hòa nhất.
Liên quan đến Quy hoạch Điện VIII thì gắn với chuyển dịch năng lượng để trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, đối với năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, đại biểu Khải cho rằng phải rất lưu ý, thận trọng vì đòi hỏi cần một nguồn kinh phí rất lớn, có nguồn công nghệ hiện đại và năng lực quản trị rất cao. Cả ba mặt này Việt Nam chúng ta đang rất thiếu.
 
Minh Chiến (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu