Thứ hai, 01/03/2021,10:11 (GMT+7)
Từng bước làm quen với sản xuất sinh học
Vụ ớt này, ông Phan Văn Lo, ở xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh) quyết định sản xuất theo hướng hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học thí điểm trên diện tích 1.000m2. Sau gần 2 tháng, cây ớt phát triển tốt, đậu trái cao, trái to, vỏ trái cứng,... so với ruộng sử dụng các loại thuốc hóa học thì có sự khác biệt.
Nông dân Phong Mỹ thu hoạch ớt
 
Ông Phan Văn Lo cho biết: “Sử dụng thuốc sinh học cây ớt phát triển ổn định bộ rễ khỏe mạnh, cây phát triển tốt. Đặc biệt, trái ớt bóng, đẹp hơn, có trọng lượng hơn so với cách sản xuất truyền thống. Bước đầu, tôi rất hài lòng”.
 
Để sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học không ít nông dân phải trải qua giai đoạn đấu tranh tâm lí rất khó khăn. Bởi, các chế phẩm sinh học, hữu cơ thường có tác dụng tương đối chậm hơn so với phân và thuốc hóa học. Nhưng đổi lại, lợi ích về mặt cải tạo đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe người nông dân thì tốt hơn rất nhiều.
 
Hiện tại, áp dụng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học đã giúp tiết kiệm chi phí sản xuất hơn so với sản xuất thông thường bằng phân thuốc hóa học từ 20 - 30% chi phí. Trong khi năng suất và chất lượng trái thì không thua kém. Quan trọng hơn là bảo vệ được đất sản xuất, bảo vệ môi trường, an toàn cho nông dân và người tiêu dùng.
 
Theo ông Nguyễn Văn Phong - cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh: “Trung tâm cũng đã khuyến cáo nông dân sản xuất theo phương pháp sinh học, dùng những sản phẩm sinh học, sản phẩm sẽ dễ bán, đồng thời bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho nông dân”.
 
Thành Sơn - (baodongthap.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu