Thứ sáu, 09/04/2021,07:18 (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ cao trong canh tác hoa, hoa giống
Nhờ đầu tư xây dựng nhà lưới kết hợp hệ thống tưới phun tự động nên việc canh tác hoa, hoa giống của ông Phan Minh Mẫn (ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) được thuận lợi hơn. Việc canh tác diễn ra chủ động, hạn chế sâu bệnh gây hại, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường...
Canh tác hoa trong nhà lưới giúp gia đình ông Phan Minh Mẫn chủ động được thời vụ sản xuất, tăng chất lượng cây trồng.
 
Ứng dụng công nghệ cao
 
Vườn hoa Tám Mẫn trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nông dân trồng hoa trong và ngoài huyện. Ngoài cung cấp hoa giống uy tín, chất lượng, nông dân mua cây giống tại đây còn được tư vấn về phương pháp chăm sóc, cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Bình quân mỗi năm, vườn hoa Tám Mẫn sản xuất 1,2 triệu cây hoa giống, đồng thời cung ứng cho thị trường 15.000 chậu hoa mỗi năm.
 
Ông Phan Minh Mẫn, chủ vườn hoa Tám Mẫn cho biết, trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào việc canh tác rau màu. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng này không cao. Nguyên nhân là do giá cả bấp bênh, lại thường xuyên bị sâu bệnh gây hại. Khi đang loay hoay tìm loại cây trồng khác thay thế, nhận thấy nhu cầu về các loại hoa của thị trường ngày càng cao, trong khi nguồn cây giống không đủ để cung cấp cho người dân nên ông bắt đầu chuyển hướng sang ươm cây hoa giống. Thời gian đầu, việc sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ chịu khó học hỏi từ những người có kinh nghiệm cũng như ở các “vựa” hoa lớn của cả nước như: Ðồng Tháp, Ðà Lạt nên việc canh tác ngày càng thuận lợi. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn tồn tại nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh, thời tiết.
 
Năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, ông Mẫn mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới nước tự động để canh tác hoa và hoa giống. Dự án được triển khai trên diện tích khoảng 2.100m2, tổng kinh phí thực hiện dự án trên 671 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học gần 300 triệu đồng, còn lại do gia đình ông đối ứng. Ông Mẫn cho biết, với việc canh tác hoa, hoa giống trong nhà lưới giúp hạn chế tác động thời tiết nên chủ động được thời vụ sản xuất. Ngoài ra, cây trồng trong nhà tránh được sâu bệnh gây hại nên giảm tối đa chi phí sản xuất cũng như công chăm sóc. Từ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên cao khoảng 30% so với canh tác theo phương pháp truyền thống. “Nhờ việc canh tác trong nhà lưới đã giúp việc canh tác của tôi được dễ dàng, tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, còn giúp tôi có điều kiện nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển nhiều loại hoa mới, chất lượng bông đẹp để cung ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài huyện” - ông Mẫn chia sẻ.
 
Hoa và cây giống được tiêu thụ mạnh vào các thời điểm như: Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng, thanh minh, rằm tháng 7, rằm tháng 10… Ðể chuẩn bị cho những thời điểm này, vườn hoa Tám Mẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng nguồn cây giống cách vài tháng để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Ngoài ra, để có những chậu hoa chất lượng, đẹp mắt, cần rất nhiều thời gian và công chăm sóc như: tỉa cành, bấm ngọn, tạo dáng, tưới nước, bón phân…
 
Gắn với phát triển du lịch
 
Với những lợi thế về cơ sở vật chất cũng nhưng kinh nghiệm sản xuất, thời gian qua ông Phan Minh Mẫn đã không ngừng mở rộng diện tích canh tác, nghiên cứu, trồng mới nhiều loại hoa đẹp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài huyện. Ðặc biệt, những năm gần đây, ngoài việc cung cấp hoa cho thị trường và cây giống cho nông dân, ông Mẫn còn đầu tư, phát triển thêm dịch vụ du lịch, tạo điểm đến thú vị cho các bạn trẻ gần xa cũng như điểm nhấn cho du lịch địa phương.
 
Những ngày giáp Tết năm 2021 vừa qua, vườn hoa của Tám Mẫn trở thành tâm điểm của du khách gần xa. Du khách đến đây được trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm trong không gian ngập tràn các loại hoa đầy màu sắc. Với khu vực rộng khoảng 2ha, ông Mẫn trồng nhiều giống hoa: hướng dương, cúc, cát tường, thược dược, đồng tiền, cánh bướm… cho du khách tham quan. Ngoài ra, ông còn đầu tư xây dựng nhiều tiểu cảnh mới lạ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các tiểu cảnh phục vụ khách trong dịp Tết này và gian hàng cho thuê trang phục chụp ảnh. Ông Mẫn cho biết, thời điểm này, mỗi ngày vườn hoa Tám Mẫn đón tiếp vài trăm khách tham quan, du lịch và chụp ảnh lưu niệm. Riêng các ngày thứ 7, chủ nhật có khi lên gấp đôi.
 
Khi được hỏi về ý tưởng xây dựng mô hình cánh đồng hoa hướng dương, ông Mẫn hồ hởi cho biết: “Trong những lần tham quan, tìm tòi các giống hoa mới ở Ðà Lạt, tình cờ tôi biết được các mô hình cánh đồng hoa hiện đang rất thu hút du khách, nhất là giới trẻ. Do đó, tôi đã nảy sinh ra ý tưởng về thực hiện cánh đồng hoa đối với diện tích đất nhà mình. Không ngờ được nhiều người biết đến như vậy”. Mỗi năm, từ việc kinh doanh hoa, cây giống và phát triển dịch vụ du lịch đã giúp gia đình ông Phan Minh Mẫn có nguồn thu nhập trên dưới 1 tỉ đồng. Ngoài tạo thu nhập cho bản thân, ông Mẫn còn giúp tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động ở địa phương thông qua công việc trồng, chăm sóc hoa.
 
Mô hình trồng hoa kết hợp với du lịch của gia đình ông Phan Minh Mẫn đã mở ra hướng đi mới cho sự phát triển nông nghiệp của địa phương. Từ đó góp phần quảng bá những giá trị về nông nghiệp, văn hóa, con người cho huyện Châu Thành. Ðồng thời đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân và tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương. Thời gian tới, ông Mẫn sẽ mở rộng thêm diện tích nhà lưới để ươm cây giống; tìm kiếm thêm các loại hoa mới phù hợp nhu cầu đa dạng của du khách. Ðồng thời, phát triển các loại hình du lịch homestay cho du khách có nhu cầu ở lại, thưởng thức cảnh quan thiên nhiên.
 
Bài, ảnh: PHI ÐIỆP - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu