Thứ năm, 19/11/2020,07:46 (GMT+7)
Vắc-xin ngừa Covid-19: Ngày vui đến gần!
Tính tới cuối ngày 17-11, tổng số ca nhiễm Covid-19 toàn thế giới là 55.389.375, trong đó 1.333.019 ca tử vong. Cần sớm có vắc-xin ngừa SARS-CoV-2 là nhu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết. Và một số hãng dược lớn đã lạc quan loan báo về việc những lô vắc-xin đầu tiên sắp được đưa vào tiêm phòng
Giới khoa học quốc tế đang sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để bào chế vắc-xin Covid-19. Trong khi một số ứng viên vắc-xin được phát triển theo hướng tiếp cận truyền thống, số khác dựa trên những cơ chế chưa từng được thử nghiệm.
 
Tin vui từ Pfizer và Moderna
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 17-11, thế giới có 24 loại vắc-xin Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối), nổi bật là các ứng viên Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (đều của Mỹ) và nhóm hợp tác AstraZeneca - Trường ĐH Oxford (Anh). Trong số này, theo đài CNBC, vắc-xin của Pfizer và Moderna đang tiến sát vạch đích, tràn trề hy vọng.
 
Sau khi thông báo vắc-xin của họ và đối tác BioNTech SE (Đức) cho hiệu quả hơn 90% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng hôm 9-11, hãng dược Pfizer tuyên bố sẽ nộp dữ liệu cần thiết lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép ủy quyền sử dụng khẩn cấp (EUA). Hãng này đã ký hợp đồng trị giá 1,95 tỉ USD với chính quyền Tổng thống Donald Trump để cung cấp 100 triệu liều vắc-xin, đủ dùng cho 50 triệu người và sẽ cung cấp thêm 500 triệu liều nếu cần.
 
Về phía Moderna, trong một tuyên bố hôm 11-11, hãng dược này cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 trên 30.000 tình nguyện viên và dự kiến công bố dữ liệu thử nghiệm sơ bộ ngay trong tháng 11 này. Giới chuyên gia và các nhà đầu tư kỳ vọng vắc-xin của Moderna sẽ cho mức độ hiệu quả cao, đặc biệt là khi Moderna cũng sử dụng công nghệ RNA thông tin (mRNA) để bào chế vắc-xin, tương tự Pfizer. "Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi vắc-xin Covid-19 của Moderna đạt mức độ hiệu quả cao" - nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci đoan chắc. Đáng chú ý, Moderna khẳng định vắc-xin của họ không yêu cầu bảo quản cực lạnh (chỉ từ 2-8 độ C trong 30 ngày, ở -20 độ C trong tối đa 6 tháng và ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ), không gây ra vấn đề nào đáng kể về an toàn.
 
Hiện Moderna đã ký hợp đồng cung cấp vắc-xin Covid-19 cho Bắc Mỹ, Trung Đông và nhiều khu vực khác trên toàn thế giới. Hồi tháng 8-2020, hãng này thông báo đã đạt được thỏa thuận giao 100 triệu liều vắc-xin cho chính phủ Mỹ, kèm theo điều khoản cho phép mua thêm 400 triệu liều.
Vắc-xin ngừa Covid-19: Ngày vui đến gần! - Ảnh 1.
Một tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Công ty Dược Pfizer tại Trường ĐH Y khoa Maryland, TP Baltimore - Mỹ (Ảnh: REUTERS)
 
Đặt mua ào ạt dù còn nhiều vấn đề
 
Song song với đó, cuộc đua đặt hàng nguồn cung vắc-xin Covid-19 cũng diễn ra khốc liệt chẳng kém. Tính đến ngày 12-11, các nước giàu đã đặt mua tổng cộng hơn 2 tỉ liều vắc-xin tiềm năng thông qua hợp đồng đặt trước (APAs), dù chẳng có gì bảo đảm giao dịch thành. Chẳng hạn, theo đài BBC, chính phủ Anh đã ký hợp đồng mua trước với 6 nhà sản xuất, trong đó có AstraZeneca và Pfizer, để được cung cấp tổng cộng 340 triệu liều vắc-xin. Tương tự, Canada ký hợp đồng đặt trước tổng cộng 414 triệu liều vắc-xin với 7 nhà sản xuất khác nhau, gồm Moderna, nhóm hợp tác Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh), Johnson & Johnson, Novavax (Mỹ), AstraZeneca và Medicago (Canada), để đa dạng hóa nguồn cung, cũng như chủng loại vắc-xin. Cùng lúc, hơn 170 nước đã tham gia COVAX - Cơ chế Tiếp cận toàn cầu vắc-xin Covid-19 do WHO dẫn đầu - nhằm huy động 18 tỉ USD để mua vắc-xin cho các nước nghèo hơn. Mục tiêu của cơ chế này là sản xuất và phân phối 2 tỉ liều vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu trước thời điểm cuối năm 2021.
 
Mặc dù nỗ lực phát triển vắc-xin đang đón nhận những thông tin tích cực, song giới chuyên gia khuyến cáo mọi kỳ vọng về vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin của Pfizer, phải được kiểm soát. Theo đài CNN, sản phẩm của Pfizer phải được bảo quản ở nhiệt độ khoảng -75 độ C, lạnh hơn nhiều so với những loại vắc-xin đang lưu dụng hiện nay. Tức là các nước sẽ phải xây dựng mạng lưới phân phối, bảo quản và làm lạnh sâu để vắc-xin không bị hỏng. Ngay cả với những quốc gia giàu có đặt trước vắc-xin của Pfizer như Nhật Bản, Mỹ và Anh, quá trình vận chuyển vắc-xin cũng sẽ gặp rắc rối lớn nếu xe tải hỏng, mất điện, nhân viên bị ốm hay băng tan. Với những quốc gia đang phát triển, họ đang đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm lạnh đắt đỏ để đặt cược vào loại vắc-xin nhiều khả năng thành công này hay là chờ đợi một loại vắc-xin khác được phát triển theo hướng tiếp cận truyền thống hơn và có thể được triển khai thông qua mạng lưới chăm sóc y tế hiện hành.
 
Theo ông Pankaj Patel, Chủ tịch của Công ty Dược Cadila Healthcare (Ấn Độ), ngay cả khi không gặp vấn đề về nhiệt độ, việc triển khai vắc-xin 2 liều tiêm trong một quãng thời ngắn cũng là một thách thức không nhỏ, nhất là tại những khu vực không dễ liên lạc với người dân hoặc cách xa trung tâm tiêm ngừa. Các chiến dịch tiêm chủng trong quá khứ cho thấy nhiều người không đến điểm hẹn để tiêm mũi thứ hai - giới chuyên gia y tế công chia sẻ với hãng tin Bloomberg.
 
Bao nhiêu tiền 1 liều?
 
Theo nguồn tin nước ngoài, Ủy ban châu Âu (EC) đàm phán đề nghị Moderna cung cấp hàng triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 với mức giá dưới 25 USD mỗi liều. Liên minh châu Âu (EU) đã trao đổi với Moderna về việc mua vắc-xin Covid-19 thử nghiệm từ tháng 7 năm nay. Theo đó, mức giá đang được thương lượng nhiều khả năng sẽ là dưới 25 USD cho mỗi liều.
 
Chính phủ Mỹ đã đồng ý trả cho Moderna 15 USD mỗi liều để bảo đảm quyền mua 100 triệu liều trong một thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD, ký kết từ hồi tháng 8. Trước đó, Washington đã tài trợ tới 1 tỉ USD cho nghiên cứu vắc-xin của Moderna.
 
Vắc-xin ngừa Covid-19 của Moderna dự kiến sẽ được tiêm theo liệu trình 2 mũi.
 
A.Q
 
CAO LỰC - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu