VLXD đang ngày một đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước theo hướng hiện đại (ảnh: minh họa).
Trong những năm gần đây việc sản xuất và tiêu thụ VLXD đã có những bước tiến tích cực. Cụ thể, sản lượng xi măng sản xuất và tiêu thụ năm 2019 dự kiến 98 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2018. Trong đó tiêu thụ trong nước khoảng 66 triệu tấn, tăng gần 2% so với năm 2018; xuất khẩu khoảng 32 triệu tấn, tương đương so với năm 2018.
Về gạch ốp lát: Sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2019 ước đạt gần 730 triệu m2, tăng khoảng 8% so với năm 2018. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ sứ vệ sinh ước đạt 17,9 triệu sản phẩm, tăng khoảng 7% so với năm 2018…
Tổng sản lượng gạch không nung cả nước sản xuất ước đạt 6 tỷ viên (QTC), chiếm 30% tổng sản lượng gạch xây; gạch nung cả nước sản xuất ước đạt 20 tỷ viên (QTC), chiếm 70% tổng sản lượng gạch xây. Đến nay, đã có 55 tỉnh xây dựng và ban hành lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn; 25 địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Trong lĩnh vực sản xuất, một số đơn vị đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất men phủ nano chống khuẩn, có khả năng làm sạch cao; đầu tư phát triển các phụ kiện đồng bộ hiện đại, góp phần tăng giá trị sử dụng, giá trị thẩm mỹ và giá trị của sản phẩm. Công nghệ và thiết bị sản xuất gạch ốp lát cũng ngày càng được đầu tư đồng bộ, tiên tiến, hiện đại với modul công suất lớn đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm gạch ốp lát với chủng loại đa dạng như: Gạch ceramic, gạch granite, gạch cotto, gạch mosaic có kích thước lớn, sản phẩm mỏng, trọng lượng nhẹ, màu sắc hoa văn phong phú…
Ngành Sản xuất VLXD đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Công tác xây dựng thể chế liên quan đến phát triển VLXD được quan tâm, đã từng bước tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển VLXD đáp ứng yêu cầu của ngành Xây dựng.
Công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển VLXD đã được thực hiện ở một số sản phẩm chủ yếu, quan trọng. Công tác quản lý phát triển VLXD được chú trọng nhằm nâng cao chất liệu VLXD, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Nhiều vật liệu mới được nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả.
Tuy nhiên việc đầu tư phát triển một số chủng loại VLXD còn chưa hợp lý, quy mô nhỏ, phân tán, hiệu quả đầu tư chưa cao. Lĩnh vực xuất khẩu VLXD có hàm lượng nguyên liệu, tài nguyên nhiều, trong khi hàm lượng sáng tạo, giá trị gia tăng còn thấp. VLXD mới chậm phát triển, chưa có nhiều sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu trong nước và có sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển chưa được doanh nghiệp quan tâm hoặc đầu tư thiếu hiệu quả; nghiên cứu chưa gắn với đầu tư, sản xuất.
Từ những kết quả đã đạt được, năm 2020, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật như: Phổ biến Nghị định sửa đổi Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP về quản lý VLXD và “Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Trong giai đoạn tới, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá sẽ tiếp tục diễn ra rất mạnh mẽ ở nước ta. Do đó, phát triển VLXD để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng. Đồng thời, nhu cầu VLXD trên thế giới cũng sẽ ngày càng tăng cao, vì vậy, ngành VLXD cũng cần hướng tới mục tiêu nâng cao kim ngạch, giá trị xuất khẩu.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Chúng ta phải phát triển đa dạng hóa các sản phẩm VLXD, trong đó phát triển mạnh các VLXD mới, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao để dần thay thế cho các VLXD truyền thống. Đồng thời, có các giải pháp tổng thể, đồng bộ để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho các sản phẩm VLXD của Việt Nam”.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, trước hết phải xây dựng một chiến lược VLXD trong thời kỳ mới (đến 2030 tầm nhìn 2050). Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu trong chiến lược phát triển ngành VLXD phải gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại; tiết kiệm tài nguyên, tận thu phế thải tái chế thành VLXD; giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Việc gắn phát triển VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp và xử lý rác thải nhằm bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm VLXD mới có giá trị kinh tế cao, ít tiêu thụ năng lượng; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của VLXD Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hạ Ly - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)