Thứ hai, 23/12/2019,10:42 (GMT+7)
Vào mùa làm chậu kiểng
Do nhu cầu của người trồng hoa kiểng ngày một nhiều, nhất là trong dịp tết nên nhiều cơ sở làm nghề đúc chậu xi măng trên địa bàn tỉnh phải tất bật làm để kịp giao hàng cho khách.
Nghệ nhân Tám Thiện đang đúc chậu.
 
Trong những ngày này, dạo quanh một vòng các huyện, thị xã như huyện Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy… là những nơi có nhiều nhà vườn trồng hoa kiểng phục vụ thị trường dịp tết lớn nhất trong năm. Lúc này, nhiều người rất bận rộn cho việc chăm sóc, uốn, tỉa cành, mỗi người một việc, ai nấy cố gắng làm cho sản phẩm của mình đẹp nhất để có nhiều khách hàng tìm tới đặt mua. Anh Sáu Lý, chủ vườn mai và một số giống cây hoa kiểng khác ở xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy, cho biết: “Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Canh Tý năm nay, gia đình tôi cần đến hơn 300 cái chậu xi măng lớn nhỏ. Ngay từ đầu tháng 7 (âm lịch), tôi đã liên hệ với các cơ sở sản xuất chậu để đặt hàng, nhưng đến thời điểm này, cơ sở nơi tôi đặt mua vẫn chưa giao hàng đủ số”.
 
Còn ông Võ Phước Thiện, chủ cơ sở sản xuất chậu cây cảnh Tám Thiện, ở ấp Hòa Đức, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, cho rằng: “Đã nhiều năm làm nghề đúc chậu trồng hoa kiểng và cây cảnh bằng xi măng, xem ra năm nay số người có sở thích chơi hoa kiểng và cây cảnh nhiều hơn các năm về trước”.
 
Nếu như hàng năm, cơ sở ông Thiện làm ra hơn 1.000 cái chậu xi măng lớn nhỏ thì năm nay số lượng làm ra gần gấp đôi, nhưng cũng không đủ bán. Nhu cầu sử dụng chậu kiểng của các nhà vườn ngày một tăng cao, cho dù giá cả có tăng hơn năm rồi từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng/chậu, nhưng sức mua không giảm. Những sản phẩm làm ra đều theo đơn đặt hàng, chủ yếu bán cho nhà vườn trồng mai, cây kiểng trong tỉnh, giá dao động từ 15.000-600.000 đồng/chậu tùy theo kích cỡ. Ngày thường ít ai mua, nhưng những ngày cận đến sau tết thì sức mua nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày, cơ sở anh Thiện đúc được 15-20 cái chậu thô thì phải đến hai ngày sau mới cho ra lò một sản phẩm hoàn chỉnh. Thời điểm những ngày cận tết như thế này, số lượng chậu bán ra tăng gấp 2-3 lần, công việc thầy thợ từ đó cũng trở nên vất vả hơn.
 
Theo nhiều nghệ nhân, nghề làm chậu kiểng hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất từ tháng 8 âm lịch cho đến đầu năm sau. Đây là thời điểm nhà vườn trồng kiểng cho cây vào chậu, chăm sóc, tạo dáng để tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán. Nguyên liệu làm chậu kiểng bao gồm xi măng và cát pha trộn hồ, mỗi người thợ có một công thức theo cách riêng của mình, mục đích cuối cùng là đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền chắc. Hầu hết sản phẩm làm ra đều làm bằng cách thủ công truyền thống, sau khi dùng tay quay xong theo khuôn, chậu được đem phơi nắng cho khô và sơn màu lên để tăng thêm độ bền, đẹp.
 
Hiện chậu xi măng được nhiều nhà vườn ưa chuộng, vì giá cả phải chăng, mẫu mã bắt mắt, sản phẩm bền, khó vỡ, có thể sử dụng được lâu hơn so với các sản phẩm bằng chất liệu khác. Bên cạnh đó, thời gian gần đây chậu kiểng xi măng được các cơ sở làm có nhiều kích thước, nhỏ nhất khoảng 3cm và lớn nhất trên 1m, giá mặt hàng này cũng không đắt đỏ lắm đối với người tiêu dùng. Có đều những năm gần đây, bên cạnh các mặt hàng truyền thống, khách hàng còn đòi hỏi thêm nhiều mẫu mã mới, mang nhiều hình dáng mới lạ như chậu vuông, lục giác, bầu dục… in thêm hoa văn, chữ phúc, lộc, thọ, hỷ… Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, các cơ sở không ngừng cải tiến, tạo ra những chậu kiểng phong phú về kiểu dáng và màu sắc bắt mắt nên được khách hàng ưa chuộng.
 
Bài, ảnh: QUANG HẢI - (baohaugiang.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu