Sau chỉ đạo "không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý" của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản (BĐS) an toàn, lành mạnh, bền vững diễn ra tuần trước, một số ngân hàng (NH) thương mại được hỏi đều cho biết họ vẫn cho vay BĐS nhưng quá trình thẩm định đang được thực hiện chặt chẽ để bảo đảm an toàn hệ thống, tránh rủi ro nợ xấu.
Không siết tín dụng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một trưởng phòng giao dịch của NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) ở TP HCM khẳng định Vietcombank không siết tín dụng BĐS, NH vẫn cho doanh nghiệp (DN) vay tiền làm dự án BĐS, cho vay đối với người muốn mua thêm nhà đất. Thế nhưng, điểm khác biệt so với trước đây là NH sẽ làm rất kỹ lưỡng ở khâu thẩm định năng lực tài chính của bên vay.
Bởi thời gian qua, khi "người người nhà nhà" đổ xô đầu cơ nhà đất, một số NH cho vay quá mức dẫn tới hết hạn mức (room) tín dụng BĐS khiến dư luận nghĩ rằng kênh cho vay này bị NH siết lại. Điều này vô tình làm cho thị trường BĐS suy yếu, nếu người vay để đầu cơ nhà đất không bán được để trả nợ vay là NH lãnh đủ.
Giám đốc một chi nhánh của NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho hay trong bối cảnh giá BĐS biến động thất thường, lạm phát có xu hướng tăng, mức độ rủi ro bên cho vay lẫn bên vay có dấu hiệu gia tăng buộc các NH đưa ra tiêu chí cho vay chặt chẽ để kiểm soát rủi ro. Đặc biệt, NH phải tìm mọi cách xác minh dòng tiền của người vay. Khi xác định thu nhập của khách hàng không đủ thanh toán vốn gốc, lãi hằng tháng thì NH sẽ nói thẳng là không cho vay. Việc này hoàn toàn hợp lý và đúng quy định pháp luật.
"Riêng những khách hàng có việc làm ổn định, có thêm thu nhập từ việc cho thuê nhà hoặc là chủ cơ sở kinh doanh có dòng tiền ra vào NH thường xuyên nếu cần vay tiền để mua thêm nhà đất, NH không có lý do gì để từ chối" - giám đốc chi nhánh này khẳng định.
Điều này lý giải vì sao thời gian gần đây, nhiều người làm thủ tục vay mua nhà đất gặp nhiều khó khăn, bị chậm hoặc ngừng giải ngân, thậm chí bị trả hồ sơ khi NH nhận thấy có nhiều rủi ro. Anh Đ.V (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết người thân của anh vay mua nhà dự án tại một NH cổ phần trụ sở chính ở Hà Nội. Khoản vay hơn 2 tỉ đồng, đã ký hợp đồng với chủ đầu tư và ký hợp đồng tín dụng vay vốn từ NH nhưng gần đến ngày thanh toán mà phía NH vẫn không thông báo cụ thể thời gian giải ngân. "Nếu NH không giải ngân cho vay đúng hạn, người thân của tôi sẽ phải đóng phạt cho chủ đầu tư" - anh Đ.V lo lắng.
Tương tự, anh Ngọc Hải (ngụ TP Hà Nội) cho hay anh mua căn hộ chung cư đóng tiền theo tiến độ và NH sẽ giải ngân khoản vay theo tiến độ triển khai dự án. Tuy nhiên, vừa rồi anh bị một phen "thót tim" vì NH bất ngờ thông báo hết room, tạm ngừng giải ngân trong khi sắp đến hạn thanh toán với chủ đầu tư. "Tôi phải bỏ công ăn việc làm suốt 1 tuần để "canh", khi NH có dư hạn mức tín dụng là đăng ký giải ngân ngay, nếu không sẽ phải đóng phạt nặng cho chủ đầu tư dự án" - anh Hải kể.
Khách hàng tìm mua căn hộ dự án tại TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Lãi suất tăng
Một khó khăn khác với người có nhu cầu mua nhà đất và cả DN BĐS là lãi suất cho vay không còn "rẻ" như trước. Các gói tín dụng ưu đãi gần như không còn. Một số khách hàng cho biết đang vay mua nhà tại NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) với lãi suất ưu đãi trong 6 tháng đầu khoảng 9,5%/năm, sau đó lãi suất điều chỉnh theo thị trường khoảng 11%/năm. Tại NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất cho vay mua nhà đang áp dụng khoảng 12%/năm tùy khách hàng, dự án…
Đại diện Eximbank cũng cho biết lãi suất cho vay BĐS tại NH này vừa điều chỉnh tăng thêm 1-2 điểm %, lên 11%-12%/năm. Nguyên nhân là do giá vốn bình quân đầu vào của NH tăng thêm 0,5%-0,75 điểm %. "Tuy vậy, cốt lõi của việc cho vay BĐS vẫn phụ thuộc vào mức độ nhận định rủi ro hợp lý và chính sách tín dụng của từng NH. Ví dụ, do Eximbank không chủ trương cho vay xây dựng dự án BĐS nên hiện nay room tín dụng vẫn còn và NH sẵn sàng cho vay đối với người muốn tích lũy nhà đất, cho vay mua nhà để ở" - đại diện NH này nhấn mạnh.
Một trong những NH có mức lãi suất cho vay khá mềm năm ngoái, nay lãi suất cho vay mua nhà cũng tăng thêm khoảng 1 điểm % là NH Shinhan Việt Nam. Ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc khối cho vay khách hàng cá nhân của NH này, cho biết hiện các mức lãi suất cho vay mua nhà mà NH đang áp dụng bình quân từ 8%/năm trở lên. NH cũng chọn lọc khách hàng để cho vay đến khi có thông báo mới từ NH Nhà nước về room tín dụng năm 2022.
"Hiện nhiều yếu tố đầu vào của các NH đang có xu hướng tăng lên như lãi suất huy động, chi phí quản lý, vận hành… Trong khi áp lực về lợi nhuận từ cổ đông và cơ chế quản lý bằng trần tăng trưởng tín dụng của NH Nhà nước nên lãi suất cho vay cá nhân đang chịu áp lực tăng tương đối cao trong năm nay. Phân khúc cho cá nhân vay mua nhà để ở, NH Nhà nước không hạn chế, thậm chí còn khuyến khích như đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội. Nhưng một khi room tín dụng hết hoặc còn quá ít thì NH sẽ phải hạn chế giải ngân" - ông Vũ phân tích.
Trước việc các NH thận trọng cho vay mua nhà đất, PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng hệ thống NH cần phải đánh giá mức độ ưu tiên, trạng thái lành mạnh của các phân khúc BĐS, bởi không phải phân khúc nào cũng có tính đầu cơ như nhau. Từ đó, NH có cách ứng xử phù hợp khi triển khai cho vay. “Cần làm rõ dự án nào lý lịch tốt, có triển vọng trong tương lai để có sự tiếp cận vốn NH. Dù kinh tế thế giới đang bất ổn, lạm phát tiếp tục tăng cao tác động đến giá cả hàng hóa, mức độ rủi ro trên thị trường tăng nhưng các tiêu chí cho vay cần căn cứ vào những biến động này. NH không nên vì những rủi ro của mình mà “quên đi” việc bơm vốn để thúc đẩy quá trình phục hồi cho DN” - ông Trần Đình Thiên đề xuất.