Trong hùng vĩ của núi rừng, giữa mênh mang của hồ thủy điện, câu chuyện về Cọc Vài kỳ bí, sự tích hoa phặc phiền, những trùng trùng điệp điệp của 99 ngọn núi với truyền thuyết chim phượng hoàng về xây tổ,... mỗi câu chuyện được gắn với sự tích của dòng sông, con suối, của đất và con người nơi đây đã đưa chúng tôi về "miền cổ tích" Lâm Bình.
Bước ra từ truyền thuyết...
Ðược ví như Hạ Long giữa đại ngàn với Thượng Lâm nơi có 99 ngọn núi trùng điệp và truyền thuyết chim phượng hoàng về xây tổ; với dòng sông Gâm như chàng trai Tày mạnh mẽ hòa cùng sông Năng mềm mại như nàng thiếu nữ tuổi đôi mươi đã tạo nên lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, mở ra cho Lâm Bình tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Anh Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) mở đầu câu chuyện về miền đất đã trở thành quê hương thứ hai của mình khi đưa chúng tôi qua những rừng nghiến cổ thụ, men theo những sườn đá lên hang Khuổi Pín kỳ bí.
Nằm lưng chừng ngọn núi đá vôi thuộc xã Khuôn Hà, hang Khuổi Pín cao 600 m so với mực nước biển. Từ đây, phóng tầm mắt ra khoảng không gian thoáng rộng của lòng hồ Tuyên Quang, dòng sông xưa, nay là mặt nước hồ thủy điện len lỏi, uốn lượn qua các dãy núi như một dải lụa giữa đại ngàn. Hang có sáu khoang chia làm hai nhánh cao khoảng 40 m, rộng khoảng 200 m, sâu khoảng 500 m.
Trong hang, hơn 10 cột nhũ đá khổng lồ, sừng sững như dàn cột đỡ vòm hang. Càng vào trong, lòng hang càng rộng với những hàng nhũ trên trần rỏ xuống những giọt nước thánh thót đếm thời gian. Người dân ở đây vẫn truyền nhau, nếu ai được những hạt nước này rỏ trúng người sẽ gặp nhiều may mắn. Bởi vậy, nhiều người tìm đến đây ngoài việc chiêm ngưỡng cảnh đẹp, còn mong nhận được những điều tốt lành. Từ trên vách hang buông xuống hàng trăm dòng thạch nhũ trải rộng khắp không gian như bức phù điêu nguyên sơ với sự sắp đặt tài tình của tạo hóa.
Ðứng từ cửa hang Khuổi Pín còn được chiêm ngưỡng thung lũng Thượng Lâm núi non trùng điệp với 99 ngọn núi, nghe kể truyền thuyết chim phượng hoàng bay về tìm đất xây tổ. Chuyện kể rằng, vùng đất này là nơi giao hòa giữa trời và đất, địa khí phong thủy, hữu tình. Vào một ngày kia, người dân trong vùng chợt thấy một đàn phượng hoàng bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi.
Nhưng chỉ có 99 ngọn núi để 99 con đậu, còn một con không có chỗ đậu liền vỗ cánh bay về hướng nam khiến cả đàn vỗ cánh bay theo. Mỗi ngọn núi một thế đứng khác nhau tạo thành quần thể núi đá sinh động bao quanh lòng chảo Thượng Lâm. Cái tên "Hạ Long giữa đại ngàn" ra đời từ đó.
Cũng ở xã Khuôn Hà còn có thác Nặm Me khởi nguồn từ những cánh rừng già trên đỉnh của vòng cung sông Gâm có độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển. Thác có 18 tầng với chiều dài hơn
3.000 m. Nhìn từ xa, dòng thác như một dải lụa trắng mềm mại nổi bật giữa xanh thẳm núi rừng. 18 tầng thác lớn, mạnh mẽ tung bọt trắng xóa quanh năm đổ ầm vang từ trên cao xuống, như tiếng khóc thương mẹ của chàng trai Tài Ngào hiếu thảo.
Dưới mỗi chân tầng thác là một vực nước trong xanh, mát lạnh. Trên những thân cây cổ thụ hoặc trên vách đá dựng đứng như bức tường thành là những giò phong lan rừng tỏa hương, khoe sắc. Những dòng nước chảy tràn qua các phiến đá tròn, mịn khiến dòng nước tỏa rộng như chiếc váy xòe trắng muốt của thiếu nữ, lấp lánh trong ánh nắng vàng.
Tâm huyết như trình bày một dự án, một đứa con tinh thần mà mình ấp ủ bấy lâu, nên những câu chuyện về núi, về sông, về đất và về con người nơi đây của anh Nguyễn Văn Hiền, như chẳng dứt nổi. Hai mươi năm trước, chàng trai Nguyễn Văn Hiền người con của vùng đất kinh đô Hoa Lư lên đây lập nghiệp. Những năm tháng dạy học ở đây, Hiền đã hòa mình cùng đất rừng và phong tục tập quán của đồng bào bản địa. Và rồi cũng vì cảm mến vùng đất này, anh kết duyên cùng cô gái Na Hang, nên thật dễ hiểu cảm xúc của Hiền với vùng đất mà mình gắn bó.
Và câu chuyện thời nay
Năm 2011, huyện Lâm Bình được thành lập trên cơ sở nhập năm xã của huyện Na Hang và ba xã của huyện Chiêm Hóa. Là huyện vùng cao với 98% số dân là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo khi đó hơn 70%. Dù nổi tiếng bởi những phong cảnh nên thơ, những dãy núi trùng điệp, những hang động kỳ ảo, rất ấn tượng với những nếp nhà sàn truyền thống thanh bình nhưng nỗi lo cái ăn, cái mặc, làm sao thoát đói nghèo luôn đè nặng lên những người "khai sông, mở lối" khi đó.
Làm thế nào để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo luôn là sự trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện. Câu chuyện của anh Hiền lại được tiếp tục trên đường cùng tôi đi thăm các mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Homestay A Phủ ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm là căn nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, năm gian, hai trái, rộng rãi, thoáng mát.
Theo nhu cầu, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc, được tắm lá thuốc, đi khám phá hồ thủy điện… Chị Ðặng Vân Anh chủ cơ sở cho biết, chị còn mời một số người dân trong xã có năng khiếu hát then, hát cọi, đánh đàn tính để cùng giao lưu với du khách. Hiện nay, homestay A Phủ tạo việc làm thường xuyên cho sáu nhân viên, với thu nhập trung bình năm triệu đồng/người/tháng.
Còn theo ông Chẩu Minh Vỹ, chủ homestay Anh Thế, thôn Nặm Ðíp, xã Lăng Can thì gia đình ông làm homestay được bốn năm, đã đón nhiều lượt khách trong nước và nước ngoài. Tại cơ sở này, gia đình sử dụng các chất liệu gần gũi trong đời sống như gỗ, tranh, tre, nứa nên du khách rất thích.
Hiện nay, trên địa bàn các xã Thượng Lâm, Lăng Can, Khuôn Hà đã có 24 hộ kinh doanh homestay có khả năng phục vụ gần 1.000 khách mỗi đêm với trang thiết bị đạt chuẩn; người dân được đào tạo, tập huấn các kỹ năng phục vụ.
Ðể thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch cộng đồng homestay, cấp ủy, chính quyền huyện đã định hướng cho nhân dân, nhất là những hộ gia đình có khả năng làm du lịch cộng đồng và tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn; vận động cộng đồng dân cư vệ sinh đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp và phối hợp với các địa phương lân cận tạo ra những tua, tuyến du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.
Khu dân cư thôn Bản Khiển, xã Lăng Can hiện đang được xây dựng thành khu dịch vụ văn hóa trải nghiệm tổng hợp, gắn với phố đi bộ để ngoài trải nghiệm dịch vụ homestay, du lịch trên hồ, du khách sẽ được tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, mua sắm hàng lưu niệm với các sản phẩm truyền thống địa phương như khăn thêu thổ cẩm, hàng mây, tre đan và các nông sản đặc sản...
Cái thuận ở Lâm Bình là các dân tộc sinh sống trên địa bàn cơ bản còn giữ nguyên vẹn được những nét văn hóa truyền thống, đa dạng, đậm đà bản sắc riêng, như: trang phục, tiếng nói, phong tục cưới, hỏi, ma chay; kiến trúc nhà ở: nhà sàn của người Tày, nhà đất của người Dao, Pà Thẻn, nhà trình tường của người Mông; lễ hội: Lồng Tông của người Tày; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; các làn điệu dân ca: hát then, hát páo dung, hát cọi, múa khèn… Nhiều làng nghề truyền thống: trồng bông, dệt thổ cẩm, đan lát mây, tre, giang, guột đã thu hút được du khách.
Hiện nay, Lâm Bình đang tiếp tục thực hiện đề án "Xây dựng và vận hành mô hình Du lịch cộng đồng" triển khai quy hoạch khu dân cư Nặm Ðíp xã Lăng Can và thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm để xây dựng làng văn hóa gắn với du lịch nhằm bảo tồn và phát triển bền vững Làng văn hóa dân tộc Tày. Huyện đã tổ chức cho các hộ dân đăng ký làm du lịch đi tham quan, học tập kinh nghiệm, làm du lịch cộng đồng tại một số tỉnh bạn; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Ðồng thời, hoàn thành việc chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, thành lập các đội văn nghệ, tổ chức tập luyện các tiết mục để phục vụ khách du lịch; hoàn thành xây dựng bản đồ, tua, tuyến du lịch, tập huấn hướng dẫn viên du lịch, bổ sung dịch vụ du lịch như: chèo thuyền kayak, xe đạp, xe máy, bè mảng, câu cá... phục vụ du khách đến tham quan và trải nghiệm.
Trong thời gian tới, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, cùng với giữ gìn cảnh quan, môi trường, sinh thái, phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, huyện Lâm Bình gắn kết chặt chẽ với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội, nghề truyền thống.
Ðồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc truyền thống... tại các điểm du lịch cộng đồng; tái hiện nghề dệt truyền thống; từng bước khôi phục nghề trồng bông, dệt vải, tạo sản phẩm từ bông nguyên bản bán cho du khách.
Bên cạnh đó, thành lập đội văn nghệ ở thôn, bản, tổ chức tập luyện các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, các trò chơi dân gian truyền thống; từng bước khôi phục nét văn hóa truyền thống như: tín ngưỡng, nghi lễ truyền thống, cưới hỏi, ẩm thực… bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành, gìn giữ thuần phong mỹ tục.
Lâm Bình đang hướng tới khai thác phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp như tổ chức các tua khám phá rừng nguyên sinh, tham quan các trang trại (lợn đen, lợn tên lửa, gà đồi), du khách tham gia sản xuất cùng nông dân trồng và thu hoạch rau (giảo cổ lam, bò khai, ngót rừng) và một số cây dược liệu; tham quan làng nghề truyền thống, dịch vụ homestay và thưởng thức các món ăn ngon (bánh trứng kiến, thịt gác bếp, nộm da trâu, mắm cá ruộng, cá chua),...
Những mô hình du lịch này sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
Rời Lâm Bình giữa mênh mang của núi, rừng, sông nước, trong men say ngất ngây hương vị rượu ngô men lá, chúng tôi nhớ về câu nói lúc chia tay của anh Nguyễn Văn Hiền: Du lịch đã làm thay đổi nếp nghĩ của người dân, tạo nên cách làm mới trong phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn trên 40%; dịch chuyển cơ cấu kinh tế của huyện từ phát triển hạ tầng - nông nghiệp - du lịch, chuyển thành du lịch - nông nghiệp và hạ tầng. Sự thay đổi này từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Lâm Bình.