Thứ hai, 23/09/2019,11:18 (GMT+7)
Vi khuẩn HP- mối lo cho dạ dày
Theo các bác sĩ, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là yếu tố hàng đầu gây viêm dạ dày hiện nay được ghi nhận ở Việt Nam và các nước trên thế giới. Vi khuẩn này lây chủ yếu qua đường ăn uống chung với người nhiễm HP. Kết quả nghiên cứu ghi nhận, 70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP.

Bệnh nhân được các bác sĩ nội soi tìm vi khuẩn HP trong dạ dày.

Bệnh nhân được các bác sĩ nội soi tìm vi khuẩn HP trong dạ dày.

70% người Việt bị nhiễm vi khuẩn HP

Đó là con số hết sức đáng lo ngại. HP lây chủ yếu qua đường ăn uống, nước bọt, phân, dịch tiêu hóa, trong những gia đình có thói quen ăn uống chung. Lây nhiễm xảy ra khi dùng thức ăn, nước uống không sạch có chứa vi khuẩn. Vi khuẩn HP cũng là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.

Theo một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, trong số 10 người có triệu chứng mắc các bệnh dạ dày đến khám điều trị thì có khoảng 7 người bị nhiễm vi khuẩn HP và con số này đang có chiều hướng gia tăng.

Chị Lê Thị Kiều L. (huyện Cao Lãnh- Đồng Tháp) cho biết: “Tôi ăn uống khó tiêu, hơi đau, khó chịu, đi khám, nội soi thì bác sĩ cho biết bị HP bao tử. Bác sĩ tư vấn về nhà nên ăn uống cách ly, không chấm chung đồ chấm, có bộ chén, đũa, muỗng riêng để phòng lây bệnh cho cả nhà”.

Thói quen sinh hoạt ăn uống chung đụng trong gia đình khiến trẻ con dễ bị lây nhiễm vi khuẩn HP gây bệnh dạ dày nếu nhà có người bệnh.

Chị Nguyễn Ngọc M. (xã Long Phước- Long Hồ) thì giật mình khi con gái 3 tuổi của mình thường xuyên bị nôn, ói. Vợ chồng chị đi làm nên con gái ở nhà được bà nội chăm sóc, cho ăn uống.

Đi khám, bác sĩ cho con đi kiểm tra thì phát hiện bé bị nhiễm HP. Chị lo lắng vì con gái còn nhỏ mà bị nhiễm vi khuẩn HP, trong khi vợ chồng anh chị không bị.

Thì ra trong quá trình chăm bé, bà nội (bị đau dạ dày, có nhiễm HP) quen cách thổi, đút thức ăn cho cháu. Và vì quá yêu thương cháu, nên bà hay thích hôn cháu thiệt nhiều.

Theo bác sĩ Nguyễn Trí Đoàn- tác giả cuốn sách nổi tiếng “Để con được ốm”, những bậc phụ huynh hạn chế hôn hít trực tiếp bé hoặc đút cơm thổi, mớm cơm, bởi đấy là lý do bé bị viêm hô hấp và nhiễm vi khuẩn HP càng nhiều và điều trị phải mất nhiều thời gian.

Phòng vi khuẩn HP

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính gây nên sự lây lan của vi khuẩn HP là do tập quán ăn uống, sinh hoạt chung. Nhiều người sống thiên về tình cảm, nể nang nên ăn uống, họ không cân nhắc, cảnh giác mà ăn chung tập thể. Điều đó tạo nên sự thuận lợi của việc nhiễm, lây lan HP.

Khi có triệu chứng thường gặp như đau thượng vị, ợ chua, bụng cồn cào, đau họng, khó nuốt, đau tức ngực hoặc trong gia đình có người nhiễm HP thì nên tầm soát điều trị.

Ngoài ra những bệnh lý mệt mỏi, uể oải, làm thiếu vitamin cũng do nhiễm HP gây nên. Khi nhiễm HP không điều trị làm cho viêm dạ dày ngày càng nặng, ổ loét không lành, nguy cơ gây ung thư dạ dày.

Có một thực trạng đáng lo ngại là khi phát hiện bệnh, nhiều người tự động mua thuốc uống, không cần biết thuốc có mục đích điều trị, gây nên vấn đề kháng thuốc trong cộng đồng.

Đây cũng là một thói quen không hay và cũng tạo tiền đề cho việc kháng thuốc. Sự kháng thuốc của HP ảnh hưởng đến kết quả điều trị và cải thiện lâm sàng của người bệnh, ảnh hưởng đến điều kiện kinh tế…

Nếu tiếp tục sử dụng kháng sinh trong các phác đồ điều trị kế tiếp vừa gây tốn kém cho bệnh nhân và tỷ lệ kháng thuốc của HP sẽ tăng lên.

Theo BS.CK2 Đặng Văn Hội- Trưởng khoa Nội tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, hiện nay trên 70- 80% dân số mình bị nhiễm HP, tỷ lệ kháng thuốc tăng cao, đáp ứng điều trị thấp, có nơi kháng tới 50%.

“Do tỷ lệ kháng thuốc cao, nên điều trị HP phải cập nhật những phác đồ mới, điều trị khó khăn hơn, thuốc uống hơi khó chịu bởi vì tác dụng phụ của kháng sinh điều trị HP, nhưng nếu tuân chủ điều trị và lời dặn của BS thì sẽ hiệu quả”- BS Văn Hội cho biết.

Để phòng bệnh, nên cách ly không dùng chung đồ ăn khi gia đình có người mắc bệnh dạ dày do vi khuẩn HP; vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người bị viêm loét dạ dày cần ăn uống khoa học, không quá no, không quá đói, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng. Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó tiêu hoặc quá cứng cũng như có nồng độ a xít quá cao, tránh rượu bia…

Chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ test và diệt HP khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Nếu phát hiện dương tính với vi khuẩn HP, người bệnh có thể trị khỏi hoàn toàn sau 2 tuần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Các phác đồ điều trị vi khuẩn HP trong 2 tuần đầu thường kết hợp nhiều loại kháng sinh có các tác dụng phụ như đắng miệng, mất vị, buồn nôn, khó tiêu...

Sau 2 tuần, thường chỉ dùng thuốc kháng tiết nên sẽ không bị các tác dụng phụ đó nữa, cảm giác đắng miệng sẽ giảm và hết. Bệnh nhân vẫn nên tuân thủ chế độ ăn dành cho người đau dạ dày như kiêng thức ăn chua cay, nước có gas, cồn, đồ ăn cứng, thức ăn chiên, dưa muối...

Hiện tại, HP có thể điều trị dứt điểm. Sau khi kết thúc điều trị 2- 4 tuần, bệnh nhân nên kiểm tra vi trùng HP bằng các xét nghiệm như nội soi dạ dày, test thở UBT, test phân tìm kháng nguyên HP để chắc chắn HP được tiệt trừ.

Do HP lây qua đường ăn uống và có thể tái lây nhiễm lại khi tiếp xúc với nguồn bệnh, vì vậy, nếu trong gia đình có người nhiễm HP thì nên khuyên người nhà cùng đi tầm soát và điều trị HP để tiệt trừ nguồn lây nhiễm.

 
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN - (baovinhlong.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu