Thứ tư, 24/05/2023,07:06 (GMT+7)
Vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật Giá (sửa đổi)
 
Nên bổ sung giá điện vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá. Đây là đề xuất của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi) vào chiều 23-5.
 
Vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn? - Ảnh 1.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng
 
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận, trong dự thảo luật hiện nay, giá điện đang quy định tại danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá. Về lý do đưa giá điện vào danh mục bình ổn giá, đại biểu Luận cho rằng đây là "hàng hóa, dịch vụ" quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
 
Thực tiễn thời gian qua cho thấy giá mặt hàng này thay đổi theo xu hướng chỉ có tăng mà không có giảm. Tuy nhiên, theo đại biểu Luận, việc tăng giá điện vẫn chưa đủ để bù đắp chi phí, dẫn đến ngành điện bị lỗ lớn, gây ra mất cân đối dòng tiền và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. "Vì vậy, điện cần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm ổn định giá và đưa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì hợp lý hơn" - đại biểu đoàn Yên Bái nêu quan điểm.
 
Quan tâm đến vấn đề giá điện, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) cho rằng hiện nay nhà nước điều tiết giá điện bằng "mệnh lệnh hành chính" mà "không chi một đồng nào".
 
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay không có nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi doanh nghiệp bị lỗ vì không được tăng giá điện trong khi giá đầu vào tăng rất mạnh. Kết quả năm 2021 doanh nghiệp này lỗ cho sản xuất bán điện là 981 tỉ đồng, năm 2022 là 36.294 tỉ đồng, năm 2023 dự kiến lỗ 63.620 tỉ đồng dù giá bán điện tăng 3% từ tháng 5.
Vì sao không đưa giá điện vào diện bình ổn? - Ảnh 3.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật Giá (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng
 
Vị đại biểu nhấn mạnh những khó khăn tài chính đối với EVN là rất lớn, ảnh hưởng đến việc phát triển bền vững của tập đoàn này. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dẫn con số ước tính đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì tổng lỗ 4 năm của EVN dự kiến 120.000 - 144.000 tỉ đồng. Nếu giá điện tăng 3% trong năm 2024 thì tổng lỗ 4 năm dự kiến khoảng 194.000 - 126.000 tỉ đồng, tức khoảng 46 - 60% vốn chủ sở hữu.
 
Do đó, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý điều tiết giá của nhà nước vào dự thảo luật. Cụ thể, nhà nước phải có nguồn lực tài chính công để chi và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá, để doanh nghiệp quan trọng như EVN không rơi vào trạng thái rất khó khăn về tài chính.
 
Giải trình, làm rõ nội dung này ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết do giá điện đã do nhà nước định giá nên không đưa vào diện bình ổn. Theo ông Phớc, việc nhà nước định giá điện "sẽ có lợi cho người dân hơn", các chính sách cần cân nhắc kỹ trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp.
 
Đối với việc bố trí nguồn lực ngân sách để hỗ trợ giá điện, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách để phù hợp, cho nên cơ quan soạn thảo xin chưa tiếp thu ý kiến này.
 
Minh Chiến - Huy Thanh (nld.com.vn)
 
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu