Thứ sáu, 14/08/2020,11:02 (GMT+7)
VICEM hướng đến sản xuất xanh, không phát thải
Là DN sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đang ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng 4.0, hướng đến nền sản xuất xanh không phát thải - tuần hoàn tự nhiên.
 
Doanh nghiệp “tỷ đô”
 
Từ công suất trên 70 vạn tấn xi măng/năm (gồm Xi măng Hải Phòng công suất trên 30 vạn tấn và Xi măng Hà Tiên công suất hơn 40 vạn tấn/năm) trong ngày đầu thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp xi măng (nay là VICEM) tháng 4/1980, đến nay sau hơn 40 năm xây dựng và phát triển, VICEM đang quản lý 7 thương hiệu với 16 dây chuyền sản xuất, tổng công suất 33 triệu tấn/năm, trở thành DN lớn nhất ngành Xi măng Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á.
 
Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, VICEM đóng vai trò quan trọng, là doanh nghiệp trụ cột, xương sống của ngành Xi măng Việt Nam, bởi họ là DN tiên phong mở đường phát triển nền công nghiệp xi măng, có nền tảng công nghệ, nguồn lực con người, phương thức quản lý, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Từ thời chiến tranh, xi măng VICEM đóng góp lớn cho xây dựng quốc phòng, đến thời hòa bình họ góp phần quan trọng sản xuất xi măng phục vụ CNH, HĐH đất nước. Nhiều công trình trọng điểm, quan trọng đặc biệt của quốc gia đều sử dụng xi măng do VICEM sản xuất.
 
Cũng theo TS Cung, các DN xi măng tư nhân khác họ kinh doanh lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Nhưng VICEM lại khác. Các công trình xây dựng, nhà dân, đường biên giới nơi đèo cao biên giới, vùng xa xôi hẻo lánh đến hải đảo xa xôi… đều có mặt của xi măng thương hiệu VICEM. Những nơi khó khăn, chịu thiệt thòi thì VICEM gánh vác. Các DN xi măng tư nhân không gánh nhiệm vụ này.
 
Không chỉ đóng vai trò bình ổn và dẫn dắt thị trường, VICEM còn đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu của ngành, vực dậy nhiều DN xi măng ngoài VICEM làm ăn thua lỗ bên bờ vực phá sản như Tam Điệp, Hạ Long, Sông Thao…, giúp các DN này thoát lỗ, vươn lên.
 
Đến nay, sau hành trình hơn 40 năm, VICEM trở thành DN sản xuất xi măng “tỷ đô” của Việt Nam. Năm 2020 VICEM đặt mục tiêu đạt 36.209 tỷ đồng doanh thu thuần; lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước, chăm lo đời sống cho hơn 13.000 cán bộ công nhân viên.
 
Hướng đến nền sản xuất xanh - không phát thải
 
Với mục tiêu hướng đến nền sản xuất xanh, đầu năm 2020 VICEM cùng Tập đoàn FLSmidth (Đan Mạch) ra tuyên bố chung về phát minh thế hệ công nghệ mới ngành Xi măng "Zero emission - natural cycle" (Không phát thải - tuần hoàn tự nhiên).
 
Theo ông Bùi Hồng Minh - Chủ tịch HĐTV VICEM, các mục tiêu, sứ mệnh hướng tới là không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và luân chuyển, tuần hoàn khí theo quy luật của tự nhiên, quy luật của môi trường sống, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất clinker và xi măng như đá vôi, đất sét, silic, quặng sắt và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của các ngành kinh tế khác, cùng các chất thải trong hoạt động hàng ngày của xã hội như rác thải, bùn thải, tro xỉ, phế thải vật liệu xây dựng…
 
Thay thế nhiên liệu đốt từ than, dầu bằng việc đốt rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, các vật chất thải có khả năng sinh nhiệt mà con người đang thải ra hàng ngày, góp phần làm sạch môi trường và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tối ưu hóa và nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt năng, điện năng cùng với việc tìm những giải pháp công nghệ mới cho phát điện để vừa sử dụng trong sản xuất của nhà máy… Đồng thời, ứng dụng các thuật toán trong lĩnh vực điện toán để thiết lập hệ điều khiển thông minh đáp ứng việc luân chuyển tuần hoàn khí, sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, xử lý rác thải, nâng cao hiệu suất sử dụng và phát điện.
 
Hiện nhiều đơn vị của VICEM như VICEM Hà Tiên, VICEM Bút Sơn, VICEM Hoàng Thạch đang đẩy mạnh sử dụng rác thải, bùn thải làm nguyên liệu thay thế. VICEM tiếp tục đẩy mạnh chương trình kinh tế tuần hoàn: phát huy hiệu quả việc xử lý rác thải, bùn thải thay thế nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất với mục tiêu thay thế 25 - 30% nhiệt lượng; 40 - 50% sét trong giai đoạn tới. Tiếp tục đẩy mạnh sử dụng nhiệt khí thải để phát điện; thực hiện tốt công tác an toàn lao động và bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững theo hướng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
 
Thực hiện theo lộ trình phù hợp hướng tới mô hình DN số VICEM (Smart Factory). Trước mắt, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hoàn thiện số hóa các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, tài chính, môi trường.
 
Huyền Vũ - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu