Chia sẻ tại Hội thảo “Sản phẩm fibro xi măng an toàn khi sử dụng” do Hội Vật liệu xây dựng tổ chức vào ngày 19/01, ông Phạm Văn Bắc - Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã khẳng định mục tiêu phát triển vật liệu lợp trong giai đoạn 2021 – 2030 là khuyến khích đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cấp các cơ sở sản xuất vật liệu lợp có công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Nỗ lực cải tiến công nghệ đáng ghi nhận
Đại diện cho doanh nghiệp sản xuất fibro xi măng, ông Võ Quang Diệm – Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam khẳng định: “Các doanh nghiệp sản xuất luôn chú trọng phát triển công nghệ trong gần 60 năm phát triển. Các dây chuyền sản xuất khép kín với khả năng tự động hóa cao đang giúp hạn chế tối đa sự tiếp xúc của người lao động với các nguyên liệu. Một số doanh nghiệp lớn còn đầu tư phòng điều khiển tự động, vừa để quản lý sát xao quá trình sản xuất vừa đảm vệ sức khỏe cho công nhân”.
Từ năm 2019, doanh nghiệp fibro xi măng đã triển khai đầu tư đa dạng hóa sản phẩm. Các đơn vị tiêu biểu như: Công ty Cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh, Công ty Cổ phần Tấm lợp Từ Sơn, Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Tân Thuận Cường đã và đang cho ra mắt các vật liệu mới như tấm lợp fibro xi măng màu, tấm ốp phẳng vân gỗ, tấm tường sanwich bê tông nhẹ, tấm cách nhiệt amiang trắng. Thời gian tới, doanh nghiệp hướng tới phát triển ngói fibro xi măng màu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng và tính thẩm mỹ trong xây dựng.
Tấm lợp màu và tấm tường sanwich được ứng dụng tại dự án nhà tình nghĩa cho người nghèo.
Những nỗ lực đầu tư đang cho thấy kết quả đáng khích lệ không chỉ về kết quả kinh doanh mà còn trong trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người dân. Là đơn vị phụ trách đo môi trường lao động và khám bệnh nghề nghiệp định kỳ cho công nhân ngành tấm lợp fibro xi măng, bà Đinh Thị Hoa – Trưởng khoa sức khoẻ nghề nghiệp, Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, trong hơn 10 năm, chưa phát hiện những tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến nguyên liệu sợi amiang trắng tại các doanh nghiệp sản xuất fibro xi măng Việt Nam.
Không cần thiết dán nhãn cảnh báo với các sản phẩm fibro xi măng
Trong năm 2020, nhiều văn bản pháp luật quan trọng liên quan đến việc phát triển vật liệu xây dựng đã được ban hành. Ngày 18/8/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tại Việt Nam từ 2020 đến 2030, với định hướng đến 2050” tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg, trong đó tấm lợp xi măng amiang trắng vẫn được sản xuất theo quy định. Ngày 10/07/2020, Văn phòng Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký lệnh ban hành Luật Đầu tư năm 2020, khẳng định sợi amiang trắng vẫn nằm trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Liên quan tới việc dán nhãn sản phẩm, pháp luật nước ta hiện không yêu cầu dán nhãn cảnh báo nguy hại đối với sản phẩm fibro xi măng. Đồng thời, Thông tư số 36/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu cũng quy định rõ vật liệu fibro xi măng thải cũng không được coi là chất thải nguy hại. Quy định này thống nhất với các nước phát triển như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, các nước CIS và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Điển hình tại Mỹ, Chính phủ quy định rõ có hai ngoại lệ không cần áp dụng dán nhãn hoặc đánh dấu gồm sản phẩm có ít hơn 1% amiang theo trọng lượng và trường hợp sợi amiang đã được cố định trong vật liệu (chất kết dính xi măng) để đảm bảo không thải bụi khi sử dụng mà “có thể thấy trước một cách hợp lý”.
Sản phẩm fibro xi măng được sử dụng trong công trình khách sạn sang trọng tại Nga.
Những ngoại lệ này xuất phát từ những nghiên cứu thực chứng trong hơn 50 năm qua về amiăng trắng ở Mỹ. Trong lúc tỷ lệ trộn amiăng trắng vào vật liệu xi măng trong hàng chục năm trước đó phổ biến là 10-15% về trọng lượng, việc phá dỡ các công trình có vật liệu fibrociment không cho thấy phát sinh ra bụi là sợi amiăng nguyên chất. Vì thế, con số dưới 1% tỷ lệ pha trộn được xem là không đáng kể. Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học về vật liệu xây dựng, an toàn hóa chất cũng chỉ ra rằng, khi sợi amiăng trắng được ngâm, nén trong chất kết dính tự nhiên hoặc nhân tạo, kết cấu ống của nó cho phép chất kết dính thẩm thấu và “khóa chặt” sự phát tán amiăng nguyên chất. Các bụi, vụn vỡ phát sinh trong quá trình lắp đặt và tháo dỡ sẽ không cần thiết áp dụng các quy định về an toàn hóa chất mà chỉ áp dụng quy định an toàn, vệ sinh lao động thông thường.
Tại Nga, diện hàng hóa chứa amiăng được sử dụng rất rộng rãi, không bị hạn chế và cũng không đặt vấn đề dán nhãn. Các nước thuộc Liên xô trước đây như: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus, Armenia, Ajerbaijan, Ukraine, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan cũng không quy định dán nhãn các vật liệu fibro xi măng để cảnh báo và coi chất thải từ những vật liệu này là chất thải xây dựng thông thường, không nguy hại.
Theo các ý kiến đề xuất tại hội thảo, quy định kể trên phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn sử dụng của quốc tế cũng như tại Việt Nam. Hiện các nghiên cứu của những tổ chức uy tín của nước ta như: Bộ Y tế, Bệnh viện Xây dựng, Viện Vật liệu Xây dựng tới nay cũng đã cho thấy sản phẩm fibro xi măng an toàn khi sử dụng.
Huệ Anh - (baoxaydung.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)