Thứ năm, 10/08/2023,11:16 (GMT+7)
Việt Nam thuộc nhóm có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng hàng số 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới
 
Ngày 3-8, hội thảo tổng kết dự án sàng lọc bệnh lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở, PGS-TS Nguyễn Bình Hoà, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó trưởng ban điều hành Chương trình lao Quốc gia, cho biết đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến công tác phòng chống lao, làm trầm trọng hơn gánh nặng do bệnh lao vốn đã rất cao tại Việt Nam.
 
Năm 2021, số bệnh nhân lao được phát hiện, điều trị giảm khoảng 23%, tương đương với khoảng 23.000 người nhiễm lao mới không được phát hiện, điều trị. COVID-19 cũng là nguyên nhân gia tăng khoảng 30% số ca tử vong do lao so với năm 2021.
 
Việt Nam thuộc nhóm có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới - Ảnh 1.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng về bệnh lao cao
 
Theo thống kê, Việt Nam đứng 11/30 nước có gánh nặng về lao và bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất toàn cầu. Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 169.000 ca bệnh lao mới mắc, 8.900 trường hợp kháng đa thuốc và khoảng 14.200 ca tử vong.
 
Từ giữa 2022, các hoạt động phòng chống lao dần trở lại bình thường. Đặc biệt, chiến dịch sàng lọc, phát hiện chủ động đến tận xã phường với 1,2 triệu người tham gia đã phát hiện 19.000 ca bệnh, cùng đó số bệnh lao được phát hiện đã tăng gần 31% so với năm 2021.
 
PGS Hoà cho biết từ tháng 9-2022 đến tháng 6-2023, Chương trình Chống lao Quốc gia và Tổ chức FIND đã phối hợp triển khai dự án "Sàng lọc lao, COVID-19 và một số bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở tuyến y tế cơ sở" nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở đồng thời sàng lọc cùng lúc bệnh lao và COVID-19 với một số triệu chứng gần giống nhau.
 
Việt Nam thuộc nhóm có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới - Ảnh 3.
Các chuyên gia đánh giá cao các hoạt động sàng lọc bệnh lao tại cộng đồng
 
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng Văn phòng Find Việt Nam, cho biết dự án được triển khai tại huyện Ứng Hoà và huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) với 57 cơ sở y tế tham gia. Những người có triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính được khám sàng lọc COVID-19, cúm A, B và virus hợp bào hô hấp (RSV). Theo đó, trẻ em dưới 15 tuổi có triệu chứng hô hấp hoặc phát ban, nổi hạch bạch huyết, buồn nôn và nôn mửa được xét nghiệm liên cầu nhóm A, bên cạnh các xét nghiệm COVID-19, cúm A, B và RSV.
 
Những ca có triệu chứng lao hoặc nằm trong nhóm nguy cơ cao nhiễm lao được lấy mẫu đờm tại Trạm y tế xã và gửi đến Trung tâm y tế huyện xét nghiệm lao bằng GeneXpert – phương pháp có khả năng phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Những ca lao phát hiện được điều trị tại trunng tâm y tế huyện; bệnh nhân lao kháng thuốc được chuyển lên Bệnh viện Phổi Hà Nội.
 
PGS Hoà cho biết tuy được coi là "kẻ giết người thầm lặng", nhưng bệnh lao thông thường có thể chữa khỏi hoàn toàn khi tuân thủ phác đồ và thời gian điều trị, tỉ lệ khỏi bệnh có thể đạt tới trên 90%.
 
Với sự hỗ trợ từ Tổ chức Find, 6 tháng triển khai khám sàng lọc, hơn 22.600 người dân đã được sàng lọc lao, COVID-19 và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác. Trong số này gần 3.800 người được sàng lọc lao, với bệnh bệnh nhân lao thường và lao kháng thuốc đã được phát hiện. Con số này cao gấp hàng chục lần số ca phát hiện tại 2 huyện vào năm 2021 và 2022.
 
N.Dung (nld.com.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu