Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/12/2019 tại Hà Nội, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nghị định 83/2014/NĐ-CP (Nghị định 83) về kinh doanh xăng dầu (thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) sau 5 năm có hiệu lực, đã giúp công tác quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu ngày càng minh bạch, công khai; kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 83, Bộ Công Thương đã và đang tiến hành rà soát và khẩn trương triển khai các bước xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 83 theo đúng quy định.
Trả lời câu hỏi về việc báo chí quan tâm nhất tại thời điểm này là giữ hay không giữ Quỹ Bình ổn xăng dầu, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 83 cho biết, quan điểm của Ban soạn thảo là tiếp tục giữ Quỹ Bình ổn điều tiết thị trường xăng dầu.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, dự kiến, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi những nội dung như: Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu; Về đối tượng quản lý; Về cơ chế điều hành giá xăng dầu; Nội dung về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu; Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; Về điều kiện phòng thử nghiệm trong quản lý chất lượng xăng dầu...
Tuy nhiên, trao đổi với VOV, PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, về mặt bản chất, Quỹ Bình ổn xăng dầu là một công cụ điều tiết ổn định giá xăng dầu trong nước trước những biến động của thị trường quốc tế đặc biệt là ở nhưng giai đoạn giá dầu quốc tế tăng cao thì vai trò của quỹ bình ổn càng lớn.
"Tuy vậy như tôi đã nhiều lần trao đổi, điều mà cả xã hội quan tâm là sự công khai minh bạch của quỹ từ dòng ra dòng vào, giá trị của quỹ, cơ chế quỹ vv… Chỉ khi trong nghị định mới vấn đề công khai minh bạch của Quỹ được giải quyết thì việc giữ lại quỹ mới đáp ứng được các mục tiêu: bình ổn giá và minh bạch thông tin điều hành cua nhà nước liên quan tới quỹ. Còn vẫn với cách làm như hiện nay thì không nên giữ lại quỹ mà cần xây dựng một cơ chế bình ổn PGS. TS Bùi Xuân Hồi nêu quan điểm.
Theo ông Bùi Xuân Hồi, cần nhiều thời gian hơn cho các nghiên cứu đánh giá toàn diện Nghị định 83 với sự tham gia của nhiều thành phần, từ các nhà quản lý nhà nước, các nhà khoa học đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hiệp hội tiêu dùng... để từ đó xây dựng các căn cứ sửa đổi nghị định này.