Thứ năm, 04/02/2021,07:16 (GMT+7)
Vụ lúa đông xuân 2020-2021 ở Cần Thơ Triển vọng trúng mùa, trúng giá
Vụ lúa đông xuân, nông dân TP Cần Thơ gieo trồng được hơn 77.170ha lúa, tỷ lệ áp dụng máy gieo sạ trên 95% và các trà lúa đang phát triển khá tốt hứa hẹn vụ mùa bội thu. Dự kiến, qua Tết Nguyên đán 2021, lúa đông xuân ở thành phố mới bước vào thu hoạch rộ. Tuy nhiên, nhiều thương lái đã đặt tiền cọc thỏa thuận mua lúa của nông dân với giá khá cao, sẵn sàng thu mua khi bước vào thu hoạch.
Lúa vụ đông xuân 2020-2021 tại huyện Cờ Ðỏ.
 
Nông dân phấn khởi
 
Ông Cao Văn Hoàng, ngụ ấp Ðông Thạnh, xã Ðông Hiệp, huyện Cờ Ðỏ, nói: "Giá lúa liên tục duy trì ở mức cao trong năm 2020 và bước vào vụ đông xuân 2020-2021 giá tiếp tục có chiều hướng nhích lên nên nông dân rất phấn khởi. 15 công lúa sạ giống Jasmine 85 của gia đình tôi trong vụ đông xuân này đã trổ và dự kiến qua Tết Nguyên đán 2021, cỡ khoảng rằm tháng Giêng sẽ thu hoạch nhưng hiện đã có thương lái đặt tiền cọc để mua lúa tươi với giá 6.500 đồng/kg. Mức giá này cao hơn khoảng 1.400 đồng/kg so với vụ đông xuân 2019-2020. Vụ này, tôi tin tưởng mình có thể kiếm được lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/công lúa".
 
Vụ đông xuân này, 3 công lúa  của ông Phan Văn Nhã ngụ ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai sạ giống Cửu Long 666. Ngay sau khi lúa sạ được khoảng 2 tuần lễ đã có thương lái đến đòi đặt tiền cọc mua lúa tươi vào thời điểm thu hoạch với giá 5.500 đồng/kg nhưng ông Nhã không đồng ý bán.
 
Gần đây (khoảng 23-1-2021) khi thương lái nâng giá thu mua lên mức 6.000 đồng/kg, ông mới  đồng ý bán và đã nhận 500.000 đồng tiền cọc/công từ thương lái. Ông Nhã cho biết: "Với giá bán lúa tươi ở mức cao như trên, vụ này nếu lúa đạt năng suất khoảng 1 tấn/công, tôi có thể đạt mức lời tới 3 triệu đồng/công (công tầm lớn 1.300m2). Hiện ruộng lúa của tôi đã bước vào giai đoạn trổ đòng, lúa phát triển tốt và tôi rất tin tưởng sẽ có vụ mùa bội thu".
 
Theo bà Lê Thị Thu Thủy, ngụ ấp Thới Phước A, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, nông dân trồng lúa phấn khởi bởi chưa bao giờ lúa lại có giá cao như gần đây. 3 công lúa sạ giống IR 50404 của gia đình tôi trong vụ đông xuân này đã trổ đều và dự kiến qua Tết Nguyên đán 2021 mới thu hoạch nhưng hiện đã có thương lái đặt tiền cọc mua lúa tươi với giá tới 6.000 đồng/kg.
 
Mức giá này đang cao hơn khoảng 1.500 đồng/kg so giá bán lúa tươi IR 50404 vụ đông xuân 2019-2020 và cao hơn gần 1.000 đồng/kg so với lúa bán lúa thơm Jasmine 85 của năm trước. Nông dân rất mong giá lúa tiếp tục duy trì ổn định đến thời điểm thu hoạch để việc thu hoạch và tiêu thụ lúa được thuận lợi, không xảy ra tình trạng "bẻ kèo" giữa nông dân và thương lái.
 
Những tuần gần đây, nông dân đã nhận tiền cọc, thỏa thuận bán lúa tươi vụ đông xuân 2020-2021 ngay tại ruộng vào thời điểm thu hoạch đối với lúa IR 50404 và các giống OM 5451, OM 18, Cửu Long 666… ở mức 6.000-6.100 đồng/kg trở lên; các loại lúa thơm như: Jasmine 85, Ðài Thơm 8, Nàng Hoa 9... có giá từ 6.100-6.500 đồng/kg. Riêng những nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa sớm ngay khi vừa gieo sạ lúa một vài tuần thì có giá thấp hơn những tuần gần đây. Dù vậy, nhìn chung giá thỏa thuận bán lúa vẫn cao hơn ít nhất từ 800-1.000 đồng/kg trở lên so với vụ đông xuân 2019-2020.
 
 Để đảm bảo vụ  mùa thắng lợi
 
Mùa mưa năm 2020 kéo dài, kết hợp với lũ về muộn và diễn biến phức tạp của thủy triều đã khiến nông dân tại nhiều quận, huyện TP Cần Thơ gặp không ít khó khăn khi bước vào vụ sản xuất lúa đông xuân 2020-2021. Nhiều nông dân phải thực hiện việc bơm tát nước ngay đầu vụ để kịp thời làm đất và xuống giống kịp theo thời vụ nên phải tốn thêm một khoản chi phí. Tuy nhiên, với hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, của ngành Nông nghiệp trong công tác thông tin, dự báo thời tiết, hướng dẫn thực hiện các giải pháp chủ động ứng phó và tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp bà con tránh được các thiệt hại và giảm được nhiều chi phí sản xuất.
 
Ðến nay, hầu hết các trà lúa đông xuân được nông dân tại các quận, huyện thành phố gieo sạ đều đang phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết và nhiều loại dịch hại lúa vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi nông dân phải hết sức cảnh giác nhằm đảm bảo thắng lợi vụ lúa quan trọng nhất trong năm này.
 
Ông Nguyễn Hữu Trạng ngụ xã Thới Tân, huyện Thới Lai, cho biết: "20 công lúa của tôi trong vụ đông xuân này sạ giống Nàng Hoa 9 đã trổ đều và phát triển triển khá tốt và đã có thương lái đặt tiền cọc để thu mua lúa. Nhưng tôi không chủ quan mà thường xuyên thăm đồng để kịp thời chăm sóc, bảo vệ lúa nhằm đảm bảo có vụ mùa thắng lợi.
 
Dù tốn chi phí bơm tát nước vào đầu vụ nhưng nhìn chung chi phí sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 khá nhẹ nhờ lúa ít sâu bệnh, cũng như do nông dân quan tâm đẩy mạnh cơ giới hóa và áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, nhất là các giải pháp "3 giảm, 3 tăng",  "1 phải, 5 giảm"… Từ đó giúp giảm lượng giống và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng. Tôi ước tính, vụ này chi phí sản xuất chỉ ở mức hơn 1,5 triệu đồng/công lúa".
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, đến ngày 27-1-2021, lúa đông xuân 2020-2021 chủ yếu ở giai đoạn đòng, trổ. Đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với sâu bệnh và các yếu tố thời tiết bất lợi. Ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường theo dõi dự báo thời tiết, thông báo đến nông dân khi thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến sản xuất  và vận động nông dân thăm đồng thường xuyên để chăm sóc, bảo vệ lúa, kịp thời có biện pháp ứng phó sâu bệnh và các diễn biến thời tiết bất lợi. Tiếp tục khuyến cáo, hướng dẫn nông dân hạn chế phun thuốc khi không cần thiết để tạo ra sản phẩm an toàn và tiết kiệm chi phí.
 
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu