Chủ nhật, 21/06/2020,07:25 (GMT+7)
Vướng mắc trong xử phạt vi phạm hành chính về giao thông
Công tác xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ và đường thủy nội địa thời gian qua đã được các ngành chức năng thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong các quy định pháp luật đã phát sinh một số vướng mắc, mâu thuẫn gây khó khăn cho các cơ quan thi hành nhiệm vụ.
Việc buộc hạ tải đối với phương tiện thủy chở quá tải đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể. Trong ảnh: Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ kiểm tra phương tiện chở quá tải trên tuyến sông Hậu. Ảnh: K.XUÂN
 
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, được thực hiện gần 6 tháng qua và đã phát sinh mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
 
Theo quy định tại khoản 4, Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp. Tuy nhiên, khoản 1, Điều 82 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP lại quy định chỉ có những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mới có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính. Như vậy, đối với trường hợp cán bộ, chiến sĩ cảnh sát nhân dân đang thi hành công vụ, phát hiện hành vi vi phạm hành chính cần phải tạm giữ ngay phương tiện vi phạm hành chính nhưng hành vi này không thuộc thẩm quyền xử phạt của thủ trưởng mình mà thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp, thì phải trình Quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính đến Chủ tịch UBND các cấp để ký quyết định tạm giữ.
 
Về mâu thuẫn trên, nếu theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ gây khó khăn, cản trở cho các cơ quan chức năng trong trường hợp cần phải tạm giữ ngay tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc hành vi tẩu tán, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 82 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng phù hợp với quy định tại Khoản 4, Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
 
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện thủy hiện gặp một số khó khăn do chưa có quy định về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “hạ tải”. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã có quy định các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ, vượt quá kích thước trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Còn Nghị định số 132/2015/NĐ-CP lại chưa có quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “hạ tải” đối với những hành vi vi phạm chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa. Đây là một hạn chế, nguyên nhân có thể là do đặc thù của sông nước dẫn đến tính khả thi trong việc hạ tải không cao nên Nghị định số 132/2015/NĐ-CP chưa có quy định này. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “hạ tải” đối với những hành vi vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là cần thiết để triệt tiêu nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Do đó, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP theo hướng quy định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “hạ tải” đối với những hành vi vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
 
HOÀNG HOÀI PHƯƠNG - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam

Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu

Bản tin truyền hình - Tin tức pháp luật
Nữ hoàng nội y, người mẫu Ngọc Trinh bị bắt tạm giam