Chủ nhật, 29/11/2020,16:21 (GMT+7)
Xạ trị góp 50% thành công trong điều trị ung thư
Xạ trị là phương pháp kinh điển, ngày càng quan trọng trong phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh.
Sáng 27-11, tại hội thảo Quốc gia "Tiến bộ trong xạ trị ung thư" tổ chức tại Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội), PGS-TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết đây là hội thảo quốc gia đầu tiên về chuyên ngành xạ trị nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới trên thế giới góp phần thúc đẩy trình độ chuyên môn, tạo sự đoàn kết, tìm tiếng nói chung cho chuyên ngành xạ trị ung thư để đóng góp nhiều hơn nữa trong công tác phòng chống ung thư. Theo PGS Quảng, xạ trị là một trong 3 phương pháp điều trị kinh điển (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị) ngày càng tỏ rõ tầm quan trọng không thể thiếu trong điều trị bệnh ung thư. Ưu thế của xạ trị là gần như không có chống chỉ định và có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh, kể cả với mục đích điều trị triệt căn đến điều trị giảm nhẹ triệu chứng cho ung thư giai đoạn cuối. Hiện tại theo ước tính trong điều trị ung thư nói chung, xạ trị đóng góp khoảng 50% thành công trong điều trị ung thư.
Xạ trị góp 50% thành công trong điều trị ung thư  - Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam có 42 khoa, trung tâm có thiết bị xạ trị. Đến nay cả nước có 75 máy xạ trị gia tốc các thế hệ. Một số trung tâm lớn có thể triển khai các kỹ thuật xạ trị hiện đại như xạ trị theo hình khối u (3D-CRT), xạ trị điều biến liều (IMRT), xạ trị hướng dẫn ảnh (IGRT), xạ trị có kiểm soát theo nhịp thở (ABC), Gamma knife... "Với 226 bác sĩ, 156 kỹ sư vật lý xạ trị và 266 kỹ thuật viên vận hành máy xạ trị trên cả nước, điều đó cho thấy sự phát triển không ngừng của chuyên ngành này tại Việt Nam. Rất nhiều câu chuyện cổ tích giữa đời thường đã được viết từ các bệnh viện, trung tâm, khoa ung bướu trên cả nước. Việc phối hợp điều trị đa phương thức nhất là hóa xạ trị kết hợp trong nhiều loại bệnh ung thư có thể áp dụng cho mọi giai đoạn bệnh"- ông Thuấn đánh giá.
 
Hiện Bệnh viện K mỗi ngày có khoảng 800-900 lượt bệnh nhân sử dụng phương pháp này.
Xạ trị góp 50% thành công trong điều trị ung thư  - Ảnh 2.
Để điều trị bệnh nhân ung thư đạt kết quả tốt cần có sự kết hợp đa mô thức (Ảnh minh họa)
 
Theo giới chuyên môn để điều trị bệnh nhân ung thư đạt kết quả tốt nhất, cần có sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp điều trị căn bản triệt căn (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị), đến các phương pháp điều trị phối hợp như phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình cùng các phương pháp điều trị hỗ trợ như tâm lý, dinh dưỡng…
 
Về những lo ngại về biến chứng khi xạ trị, PGS Quảng cho biết xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ với mục đích làm giảm nguy cơ tái phát, di căn của khối u. "Với bất cứ phương pháp điều trị ung thư nào đều có tác dụng phụ, xạ trị cũng vậy. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong y học và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến thì nguy cơ tác dụng phụ cũng rất thấp. Ngoài ra mỗi bệnh nhân đều được bác sĩ tính toán kỹ về phương pháp, cách thức, liều lượng, để hạn chế thấp nhất biến chứng. Do vậy, bệnh nhân có chỉ định xạ trị thì bắt buộc người bệnh phải tuân thủ"- PGS Quảng khuyến cáo.
 
Theo thống kê mỗi năm Việt Nam có gần 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.000 người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư.
 
Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng chùm tia phóng xạ (gamma, proton…) để tiêu diệt tế bào ung thư từ đó có thể điều trị khối u hoặc làm thu nhỏ khối u. Liệu pháp này sẽ giết chết vật chất di truyền trong các tế bào ung thư dẫn tới làm mất khả năng phát triển và lây lan của chúng. Liều lượng tia xạ cần căn cứ vào thể trạng bệnh nhân, loại ung thư và vị trí khối u. Để giảm tác dụng phụ không mong muốn, người thầy thuốc sẽ hướng dẫn người bệnh dùng thuốc, bảo đảm sử dụng trúng đích các tế bào ung thư, đúng và đủ liều điều trị, nếu cần có thể chia nhiều liều xạ trị, tránh tổn thương tế bào lành hoặc cởi bỏ các phụ kiện bằng kim loại để giảm nguy cơ hấp thụ nhiều tia xạ.
 
Ngọc Dung - (nld.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu