Thứ sáu, 09/10/2020,08:25 (GMT+7)
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm tôm
Ở ĐBSCL hoạt động liên kết, xây dựng chuỗi giá trị tôm của các HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp cho thấy hướng đi tất yếu để tăng hiệu quả, giữ vững thị trường.
 
Theo nghiên cứu của Khoa Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, đến năm 2019 diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước khoảng 720.000 ha, trong đó vùng ĐBSCL có diện tích nuôi tôm chiếm 90%. 8/13 tỉnh ven biển trong vùng có điều kiện thích hợp để nuôi tôm nước lợ, sản lượng tôm khoảng 750.000 tấn/năm. 600 doanh nghiệp đã XK sản phẩm tôm sang 170 thị trường các nước trên thế giới, đạt giá trị XK 3,4 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng giá trị XK ngành thủy sản. Riêng chuỗi sản xuất toàn ngành tôm tạo việc làm cho khoảng 5 triệu lao động.
 
Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.
Nuôi tôm công nghệ cao ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ.
 
PGS.TS Nguyễn Phú Son, Khoa Kinh tế & Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Cần Thơ cho rằng: Trong quá trình SX, chế biến, XK còn nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập làm giảm lợi nhuận của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, giảm tổng lợi nhuận của toàn chuỗi. Do vậy, rất cần thiết có những giải pháp để nâng cấp chuỗi giá trị tôm.
 
Trong những năm qua, với sự thúc đẩy của các cấp chính quyền cũng như các dự án, đã có nhiều liên kết đầu vào được ký kết giữa các bên tham gia. Theo thống kê của tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam, đến tháng 12/2018 trong 30 tổ hợp tác và HTX nuôi thủy sản có 79 liên kết được hình thành. Tuy vậy chỉ có 32,9% số liên kết đầu vào này có giao dịch. Điều này rõ ràng cho thấy việc thúc đẩy các liên hết hoạt động và duy trì các liên kết là một thách thức lớn và cần nỗ lực hơn nữa của các bên.
 
Qua nghiên cứu theo chuỗi SX, thức ăn tôm chiếm đến 60-70% trong giá thành SX tôm nguyên liệu. Nếu người nuôi tôm mua trả sau từ các đại lý có thể tăng lên đến gần 15%. Hiện tại có một số HTX thực hiện mô hình cung ứng tập trung thông qua việc liên kết với đại lý tại địa phương, với hình thức thanh toán tiền mặt hoặc trả sau. Nhờ đó giá thành giảm được 4,8-9%.
 
Trên thực tế hoạt động các hộ nuôi tôm riêng lẻ cùng vào tổ hợp tác hoặc HTX liên kết SX nhận thấy lợi ích trước mắt là giảm giá thành vật tư đầu vào. Điển hình có một số HTX nuôi tôm ở Sóc Trăng thực hiện dịch vụ cung ứng thông qua liên kết với công ty cung cấp con giống (có chứng truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ kỹ thuật, chất lượng con giống tốt và phí hoa hồng cho HTX).
 
Công nghệ chế biến tôm tinh chế tạo sản phẩm giá trị gia tăng. Ảnh: LHV.
Công nghệ chế biến tôm tinh chế tạo sản phẩm giá trị gia tăng. Ảnh: LHV.
 
Theo kết quả khảo sát tại 30 tổ hợp tác, HTX thì có 8 liên kết đầu ra được hình thành và 2 mô hình liên kết chuỗi, như: Mô hình liên kết HTX với các đơn vị cung cấp vật tư đầu vào và cuối chuỗi là công ty chế biến XK thủy sản. Đây là mô hình chuỗi phổ biến. Hiện có 7/8 tổ hợp tác, HTX liên kết theo mô hình này. Trong 8 liên kết này đã hình thành 1 HTX áp dụng theo mô hình có sự tham gia của nhà nhập khẩu quốc tế vào chuỗi. Đó là chuỗi của HTX Nông Ngư 14/10 Hòa Nhờ A (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) với Công ty TAIKA và nhà nhập khẩu thủy sản Northcoast Seafood đến từ Đan Mạch. Liên kết này do WWF Việt Nam thúc đẩy và hỗ trợ. 
 
Từ năm 2016 đến nay tỉnh Sóc Trăng xây dựng 4 hợp đồng liên kết SX và tiêu thụ tôm theo chuẩn ASC giữa HTX nuôi tôm và công ty chế biến XK thủy sản. HTX Hòa Nghĩa, thị xã Vĩnh Châu liên kết với Công ty Stapimex với diện tích nuôi tôm 65 ha; HTX Toàn Thắng, thị xã Vĩnh Châu 40 ha liên kết với Công ty Út Xi; HTX Hưng Phú, huyện Cù Lao Dung có 75 ha nuôi tôm liên kết với Công ty Stapimex và HTX Nông Ngư 14-10 Hòa Nhờ A – huyện Mỹ Xuyên có 45 ha nuôi tôm liên kết với Công ty TAIKA. Trong đó có 2 HTX đã được chứng nhận ASC là HTX Hòa Nghĩa và HTX Toàn Thắng.
 
Hiện Sở NN-PTNT Sóc Trăng và Công ty Stapimex hỗ trợ 2 HTX xây dựng mô hình lúa - tôm đạt tiêu chuẩn ASC, VietGAP và 59 ha lúa SX đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA.
 
HỮU ĐỨC - (nongnghiep.vn)
T/h: Nhi - (dongbang.vn)
Cùng chuyên mục
Tin mới
Tin tiêu biểu