Xây dựng Đại học Thái Nguyên uy tín, chất lượng cao
GS, TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên trao học bổng tặng sinh viên xuất sắc.
Với 11 đơn vị đào tạo, trong đó có bảy trường đại học đều được công nhận kiểm định chất lượng, những năm qua Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có bước phát triển về mọi mặt. Đại hội Đảng bộ ĐHTN lần thứ sáu, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng ĐH vùng uy tín, trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ.
Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tư vấn
Với gần 2.600 cán bộ giảng dạy, nghiên cứu, trong đó 151 giáo sư, phó giáo sư, 764 tiến sĩ, số còn lại hầu hết là thạc sĩ, hiện nay ĐHTN đang đào tạo nhiều chuyên ngành với tổng số 55 nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh, trong đó có hơn 1.000 sinh viên đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để phát huy vai trò và tiềm lực, những năm qua ĐHTN đã ban hành hàng loạt các đề án, chương trình với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, thiết thực, đạt hiệu quả cao. Trong lĩnh vực đào tạo, ĐHTN đã xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng chương trình đào tạo trọng điểm, xây dựng học liệu điện tử, từng bước liên thông giữa các chương trình đào tạo, phát huy nguồn lực chung về giảng viên, đồng thời tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; quản lý đào tạo chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế được đánh giá tích cực, được xã hội công nhận. Cụ thể, chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2019, mỗi năm ĐHTN đào tạo gần 10.000 cử nhân, kỹ sư, cao đẳng và trung cấp nghề chính quy, hầu hết sau khi ra trường có việc làm ổn định; 1.350 thạc sĩ và tương đương, hơn 20 tiến sĩ, hơn 100 lưu học sinh nước ngoài và hàng chục nghìn người tốt nghiệp đại học vừa học, vừa làm, trở thành nguồn nhân lực quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt là các tỉnh trung du miền núi phía bắc.
Hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với thực tiễn sản xuất, đời sống và phục vụ đắc lực cho đào tạo. 5 năm qua, ĐHTN thực hiện 56 chương trình KHCN, đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước và cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 400 đề tài cấp đại học và cấp bộ, 1.328 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế, trong đó có gần 600 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus; 21 sản phẩm KHCN được công nhận sở hữu trí tuệ, thành lập mới hai trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp. Với nỗ lực đó, ĐHTN xếp thứ chín trong tổng số 35 cơ sở giáo dục đại học về chỉ số nghiên cứu, xếp thứ ba trong tổng số 35 cơ sở giáo dục đại học về chỉ số nghiên cứu nội lực và huy động được 3,44 triệu đô-la Mỹ từ hợp tác quốc tế, đối ngoại và hơn 300 tỷ đồng từ các chương trình nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho các địa phương.
Cùng với đào tạo nguồn nhân lực, những năm gần đây, ĐHTN đã tích cực tư vấn chính sách, hợp tác về đào tạo, chuyển giao hàng trăm chương trình nghiên cứu KHCN đối với 15 tỉnh trung du miền núi phía bắc, trong đó nhiều chương trình mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, ĐHTN phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Dân tộc xây dựng các đề án, chương trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng; tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, khảo sát, nghiên cứu thực tiễn để tham mưu, tư vấn chủ trương, cơ chế, chính sách cho nhiều địa phương trong vùng nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Với tỉnh Thái Nguyên, mỗi năm ĐHTN đào tạo khoảng 3.000 sinh viên và 450 thạc sĩ có hộ khẩu tại tỉnh ra trường, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao ở tất cả các lĩnh vực được bổ sung vào hệ thống chính trị và các doanh nghiệp lớn, có trình độ KHCN trên địa bàn; hợp tác nghiên cứu, chuyển giao KHCN với kinh phí 100 tỷ đồng. Hiện nay chương trình đã và đang triển khai sáu nhiệm vụ thực hiện bởi các đơn vị thành viên của ĐHTN với kinh phí là 89,563 tỷ đồng. Gần đây, trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh, nhóm các nhà khoa học của ĐHTN đang nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-CoV-2 Virus bằng kỹ thuật Realtime-PCR” được Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) cấp Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán IN VITRO. Đây là sản phẩm bộ sinh phẩm phát hiện vi-rút SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh, chính xác, giá thành rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại.
Làm tốt nhiệm vụ phát triển vùng
Trong bối cảnh tự chủ đại học ngày càng cao, ĐHTN đang đứng trước nhiều thách thức, đó là nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước, huy động từ người học, hoạt động dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu; cạnh tranh đào tạo ngày càng gay gắt; bộ máy cồng kềnh, tư duy bao cấp do lịch sử để lại... Với vai trò, nhiệm vụ phát triển vùng, đòi hỏi Đảng bộ ĐHTN cần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, đổi mới quản trị ĐH, tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao KHCN đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ đó, ĐHTN đang tích cực tái cơ cấu hướng đến tự chủ ĐH theo Luật Giáo dục Đại học. Duy trì quy mô đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chủ động đánh giá các chương trình đào tạo để tham gia kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn AUN-QA; có giải pháp tổng thể xây dựng ĐHTN đạt tốp 500 châu Á theo Bảng xếp hạng QS; nâng cấp cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin đa chiều, đa lĩnh vực, tạp chí KHCN đạt chuẩn quốc tế ACI; tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển ĐHTN thành trung tâm giáo dục ĐH đổi mới, sáng tạo, có bản sắc, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, là địa chỉ tin cậy cho người học trong khu vực và quốc tế.
Thời gian tới, ĐHTN đề ra và triển khai tám giải pháp về chuyên môn, trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cụ thể là, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo đồng bộ theo các nhóm ngành, gắn kết liên thông dọc và liên thông ngang nhằm phát huy hiệu quả các nguồn lực, phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, tiếp tục nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến, hướng đến đạt chuẩn chương trình quốc tế; triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm định chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tăng cường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Ưu tiên mở các ngành đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng hệ thống thông tin học liệu, thư viện theo hướng hội nhập quốc tế.
Thành lập một số nhóm nghiên cứu mạnh ở một số lĩnh vực mũi nhọn; ban hành cơ chế, chính sách để đẩy mạnh công bố quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường hóa sản phẩm KHCN. Hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, thu hút nguồn kinh phí thông qua các nghiên cứu. Xác định các chương trình hợp tác trọng điểm, phát triển các chương trình liên kết đột phá nhằm thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, giảng viên và sinh viên của ĐH ra nước ngoài học tập, nghiên cứu. Cơ cấu lại bộ máy hành chính phục vụ chuyên môn từ cấp ĐH tới các đơn vị thành viên theo mô hình quản trị ĐH tiên tiến, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả; cử giảng viên học nghiên cứu sinh đúng chuyên ngành cần đầu tư, tỷ lệ nghiên cứu sinh học ở nước ngoài, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thực chất về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. Tạo môi trường, điều kiện làm việc thân thiện, dân chủ, công bằng, đồng thuận, thúc đẩy sáng tạo.
Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, ĐHTN tiếp tục tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du miền núi phía bắc, trong đó thực hiện tốt chính sách đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ. Phát triển mạnh mẽ mối quan hệ thực chất, hiệu quả với các tỉnh trong vùng bằng các chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cụ thể, bám sát nhu cầu, giải quyết những vấn đề thiết thực, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, điện, điện tử và tự động hóa, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, môi trường, văn hóa dân tộc, nhất là đối với tỉnh Thái Nguyên.
Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đó, giải pháp then chốt là Đại hội Đảng bộ ĐHTN sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có đủ năng lực, phẩm chất, bản lĩnh, kinh nghiệm, sáng tạo để lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuyên môn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
GS, TS PHẠM HỒNG QUANG Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên