Còn nhiều bất cập
Tại hội thảo lấy ý kiến “Sửa đổi, bổ sung quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT; xây dựng tài liệu quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT” do BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trong những năm qua, các đại lý thu là “cánh tay nối dài” giúp ngành BHXH đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới liên quan tính pháp lý trong thực hiện; nhiều phương pháp khai thác, phát triển đối tượng hiện không còn phù hợp thực tiễn; một số cách thức truyền thông chưa đúng chỗ, đúng nơi, chưa thu hút được toàn diện đối tượng… Bên cạnh đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đã đặt ra yêu cầu cho ngành BHXH phải hướng đến sự năng động, hiện đại. Điều đó đòi hỏi phải có một quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT thống nhất áp dụng trên toàn quốc. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa, hiện đại hóa bằng cách tạo hành lang pháp lý mới, áp dụng công nghệ đối với các hoạt động này là yêu cầu bức thiết…
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Quy định hoạt động của đại lý thu BHXH, BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1599/QĐ-BHXH ngày 28-10-2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, hoạt động của đại lý thu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê, đến hết tháng 3-2020, cả nước đã mở rộng và phát triển được hơn 12 nghìn đại lý thu với hơn 37 nghìn điểm thu và hơn 52 nghìn nhân viên đại lý thu. Qua hệ thống đại lý thu, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngày càng tăng, hằng năm đều đạt kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao về phát triển đối tượng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quy định cũng bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung. Như, chưa có quy định về pháp nhân đối với một số tổ chức làm đại lý thu; chưa quy định đối với đại lý thu được cơ quan BHXH ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ khác; công tác đào tạo, bồi dưỡng quy trình khai thác phát triển đối tượng cho nhân viên đại lý thu chưa được chú trọng; nhân viên đại lý thu chưa chuyên nghiệp, kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa chủ động trong việc tiếp cận đến một số địa bàn rộng, dân cư không tập trung; chưa hiểu rõ chính sách BHXH, BHYT… Với những bất cập đó, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho rằng, ngành BHXH phải chủ động, tuyển chọn, theo dõi đôn đốc đại lý, phải kiểm tra, giám sát, giao trách nhiệm để coi nhân viên đại lý như người của BHXH. Bởi thực tế khi đại lý đến với người dân, họ không quan tâm là ai, mà chỉ hiểu dưới danh nghĩa người BHXH, lo chính sách cho họ...
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động
Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Dương Văn Hào cho biết, hai dự thảo được xây dựng nhằm khắc phục những vướng mắc hiện nay và nhận được sự đồng thuận cao của các đơn vị. Với dự thảo Quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT và dự thảo Quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT, nhiều vấn đề mới, phù hợp thực tiễn được bổ sung, như: quy định về quyền và trách nhiệm của đại lý thu, nhân viên đại lý thu cụ thể, “rõ người rõ việc hơn”, gắn kết trách nhiệm giữa các bên trong quy trình tổ chức thực hiện. Trong đó: Về quyền, đại lý thu có thêm năm quyền và nhân viên đại lý thu có ba quyền; quy định về hình thức đại lý thu nộp tiền đóng cũng được thông qua ứng dụng trực tuyến; quy định mới về nội dung đào tạo, bồi dưỡng sát hạch và cấp thẻ nhân viên đại lý thu, đây được coi là quy định khung để BHXH tỉnh, huyện làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo nhân viên. Về quy trình khai thác, phát triển đối tượng tham gia, theo Trưởng ban Dương Văn Hào, trước đây, cách tiếp cận, vận động bằng tờ rơi và do nhiều chỗ làm dẫn đến người dân không hoàn toàn tin tưởng. Do đó, hiện nay, tờ rơi phải có dấu đỏ của cơ quan BHXH, tăng tính trách nhiệm để người dân tin tưởng. Các quy trình mới như công tác tiếp cận khách hàng; gặp gỡ trao đổi, tư vấn cho khách hàng… cũng được rõ ràng hơn.
Đóng góp ý kiến vào dự thảo, đại diện BHXH và bưu điện một số tỉnh, thành phố chỉ rõ một số điểm chưa rõ, chưa phù hợp. Theo Trưởng phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh Long An) Phạm Ánh Tuyết, dự thảo lần này không còn khái niệm cộng tác viên, nhưng trong thực tiễn, lực lượng cộng tác viên của Long An hiện rất lớn và rất hiệu quả. Vì vậy, đề nghị đưa lực lượng này vào dự thảo và đặt ra các tiêu chí cho họ. Ngoài ra, cần cụ thể hóa hơn nữa công tác chăm sóc đối tượng đã tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; phân cấp quản lý đại lý thu theo hợp đồng đã ký, mở rộng thêm địa bàn. Việc quy định khống chế độ tuổi tối đa (trên 65 tuổi) đối với đại lý thu cũng không hợp lý, bởi nhiều người đã làm lâu năm có kinh nghiệm, nên khả năng vận động, tuyên truyền vẫn rất khả quan, thậm chí cao hơn những người khác... Đại diện BHXH tỉnh Kiên Giang cũng đề xuất, dự thảo cần quy định cam kết bồi thường chặt chẽ hơn nữa. Tránh xảy ra tình trạng trường hợp chủ đại lý ôm tiền đóng BHXH, BHYT bỏ trốn như ở Kiên Giang vừa qua... Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Thị Lan Hương cho biết, dự thảo đã giải quyết được cơ bản các vướng mắc hiện nay của hệ thống bưu điện, với những thay đổi tương đối hợp lý, phù hợp thực tế. Hiện, Bưu điện đang xây dựng các phần mềm để quản lý, khuyến khích các đối tượng tham gia lâu dài, ổn định. Đồng thời, sẽ phối hợp Trung tâm Công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam hoàn thiện các phần mềm nhằm thực hiện tốt nhất công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT...